Wednesday 14 December 2022

Mưa trên phố Huế

 


Chị TH,

Ở Âu châu đã gần sang mùa đông, nhưng hoa cúc vàng còn đang nở rộ... 

photo dtk 20xy

Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu,
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên...
 


Chàng Xuân Diệu xưa viết hai câu thơ đẹp về hoa cúc, nhưng cũng đầy tham vọng quan sang.


Nhưng bây giờ là mùa xuân bên Úc, chị TH làm tôi bỗng nhớ Huế...


Em yêu xứ Huế ngày xưa,
Nhớ chùa Thiên Mụ nhớ hồ Tịnh Tâm.
Còn đâu những buổi mưa dầm,
Em cùng chúng bạn âm thầm gội mưa...
 (*)


Hôm đó, chúng tôi ở phi trường Phú Bài, đang đợi chuyến bay về Saigon. Bỗng người tài xế, cho chuyến du lịch mấy ngày qua, chạy đến đưa cho một CD có bài Mưa trên phố Huế. Có lẽ anh ấy vừa lùng khắp mấy tiệm bán dĩa nhạc trong thành phố Huế. Tôi hơi cảm động, vì hiểu anh ấy đã nghe lời tôi kể, trong lúc xe ra phi trường, tôi rất thích bài ca này, lần đầu nghe được trên thuyền bơi dạo sông Hương hôm trước.

Gửi chị TH và các bạn huediepchi@googlegroups.com 

mấy youtube nghe lại cho vui...













Chú thích

(*) Bài thơ này thuộc lòng từ thời tiểu học, hay đọc được trong báo trẻ em "Tuổi Xanh" (vào những năm 1960, 1961…), bây giờ tôi không nhớ rõ.




Phụ lục

Tác giả: Minh Kỳ & Tôn Nữ Thụy Khương
 

Ngâm thơ:

Ta nhớ ta thương... sông Hương, núi Ngự...
Mơ chốn yên bình, nhịp sống thanh tao
Ta vẫn ước ao, làm sao trở lại...
Dẫu Huế xa rời, ta mãi mến thương
Dẫu Huế u buồn, ta mãi nhớ thương...


Chiều nay mưa trên phố Huế
Kiếp giang hồ không bến đợi
Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài
cho lòng nhớ ai
Ngày chia tay hôm nao còn đây
Nước trên sông Hương còn đầy
Tình đã xa gió mưa u hoài
mắt lệ ngắn dài

Chiều nay trên Kinh Đô Huế
Tiếng mưa còn vương kỷ niệm
Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ
anh còn nhớ không?
Chợ Đông Ba khi mình qua
Lá me bay bay là đà
Chiều thiết tha có anh bên mình
mà ngỡ hôm qua

Hò...ơi...!!! Ơi...hò...!!!
Chiều mưa phố buồn
Chiều mưa phố xưa u buồn
có ai mong đợi
Một người biền biệt nơi mô
Để nhớ với thương một người

Chiều nay mưa trên phố Huế
Biết ai đã quên ai rồi
Mà mưa sao vẫn rơi rơi đều
cho lòng u hoài
Ngày xưa mưa rơi thì sao
Bây chừ nghe mưa lại buồn
Vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng
làm mình cô đơn. 



Tái bút
2016-10-16 06:08


Cám ơn bạn NĐT đã chép cho bài thơ Nguyễn Bính viết từ năm 1941 về mưa ở Huế.

Bài Giời mưa ở Huế của Nguyễn Bính

 
Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói
Giời mờ ngao ngán một loài mây

Trường Tiền vắng ngắt người qua lại
Đập Đá mênh mang bến nước đầy
Đò vắng khách chơi nằm bát úp
Thu về lại giở gió heo may...

Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội
Bốn tháng hình như kém mấy ngày
Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh
Để rồi nằm mốc ở nơi đây

Thuốc lào hút mãi người ra khói
Thơ đọc suông tình hết cả hay
Túi rỗng nợ nần hơn Chúa Chổm
Áo quần trộm mướn, túng đồ thay

Hàng xóm có người con gái lẻ
Ý chừng duyên nợ với nhau đây
Chao ôi! Ba bốn tao ân ái
Đã đủ tan tành một kiếp trai.

Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ!
Đành phụ nhau thôi, kẻo đến ngày
Khăn gói gió đưa sang xứ lạ
Ai cười cho được lúc chia tay?

Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ?
Mà nhớ mà thương đến thế này!

Cố nhân chẳng khoá buồng xuân lại
Vung vãi ân tình khắp đó đây
Mưa chiều, nắng sớm, người ta bảo
Cả đến ông giời cũng đổi thay!
Gia đình dọn cả lên Hà Nội (1)
Buôn bán loanh quanh bỏ cấy cầy
"Anh em cánh nhạn người Nam Bắc
Tâm sự hồn quyên lệ ngắn dài..."

Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Hôm qua còn sót hơn đồng bạc
Hai đứa bàn nhau uống rượu say
Nón lá áo tơi ra quán chợ
Trơ vơ trên bến nước sông đầy
Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả
Chén ứa men lành, lạnh ngón tay.
Ôn lại những ngày mưa gió cũ
Những chiều quán trọ những đêm say
Người quen nhắc lại từng tên một
Kể lại từng nơi đặt dấu giày
Trôi dạt dám mong gì vấn vít
Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây
Tỉ tê gợi nhớ niềm tâm sự
Cúi mặt soi gương chén rượu đầy
Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ
Đôi lòng hoà một vị chua cay
Đứa thương cha yếu thằng thương mẹ
Cha mẹ chiều chiều ...con nước mây
Hoa rao bán nhuỵ tình nên vợ
Chim nửa bình minh bóng trúc gầy.
Không hiểu vì đâu hai đứa lại
Chung lưng làm một chuyến đi đầy?
Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày...
Mai đây bỏ Huế rồi quên Huế
Quên được làm sao bữa rượu này.



Huế 1941

(1) Có bản in là "Gia đình thiên cả lên thành thị".

Tái bút 2
2016-10-16 21:27

Tuy nhiên, thơ Nguyễn Bính trong bài này sao mà thảm thiết quá.
Hôm qua, nghe lại bài hát nhắc đến ở trên ("Mưa trên phố Huế"), tôi chợt nhận ra là mình đã nhớ sai.
Chính ra là bài "Huế xưa". Lời ca cũng buồn đứt ruột, nhưng vẫn còn chút hi vọng vào một ngày mai tươi sáng.
Xin cài ở đây một youtube tìm được trên Internet, để nghe và nhớ.




Tái bút 4
2022-02-01 00:01
Thêm lời bài ca

Sáng tác: 

Anh Bằng


Tôi có người em sông Hương núi Ngự,
Ϲủa lũу tre thôn Vĩ hiền từ,
Ϲủa kinh thành cổ xưa thật xưa.
Buổi trưa em che nón lá,
Ϲá sông hương liếc nhìn ngẩn ngơ,
Lũ chim quуên ngất ngâу từ xa.
Tôi sống độc thân trong căn phố nghèo,
Bởi trót thương nên nhớ thật nhiều,
Bởi em là hạnh phúc tình уêu.
Ở bên ni qua bên nớ,
Ϲách con sông chuуến đò chẳng xa,
Nhỏ sang thăm có tôi đợi chờ.

Huế ơi! không biết bâу chừ,
Tiếng ca nào vương bên mạn thuуền,
Ϲó ai chờ ai qua Trường Tiền,
Không biết bâу chừ,
Nữ sinh mang nón bài thơ,
Để trai xứ huế mộng mơ.
Huế ơi! ta nhớ muôn đời,
Bóng trăng hồ sen trong Hoàng Thành,
Tiếng chuông từng đêm Thiên Mụ buồn,
Ta nhớ muôn đời,
Người con gái Huế quá xinh,
Tóc mâу ngang lưng trữ tình.

Non nước thần kinh quê hương đất lành,
Là trái tim sông núi của mình,
Ϲả linh hồn của dân hùng anh.
Bởi đâu gâу nên nông nỗi,
Ϲánh chim baу giữa trời lẻ loi,
Nhỏ tôi уêu không bao giờ nguôi.
Tôi đã lạc em trong cơn biến động,
Để tháng năm hai đứa lạnh lùng,
Để đêm ngàу kẻ nhớ người mong.
Khổ đau cao như mâу tím
Phố năm xưa Huế buồn buồn thêm,
Nhỏ уêu ơi, biết đâu mà tìm?!


Tái bút 3 
2018-04-30

Hôm nay "tình cờ" nghe lại một bài về Huế, Hà Thanh hát, âm thanh tan nát cõi lòng, và những bóng hình xưa lũ lượt bay về...


Tuesday 15 November 2022

tưởng niệm trên đồi cao

 


Mộng ở đầu cây mơ lá cây
Dòng sông ngừng chảy đợi mây bay
Kêu nhau nhỏ nhẹ sầu năm ấy
Chim hải hồ bay trắng tháng ngày


Đó là mấy câu thơ Phạm Công Thiện đọc cho tôi nghe, — buổi tối hôm ấy, quây quần trong căn nhà bếp tòa soạn báo Quê Mẹ.

Phạm Công Thiện kể thêm, 4 câu thơ này, một cô hôtesse de l’air, hẳn là một người ái mộ thơ Phạm Công Thiện, đã đọc cho nghe, ở một phi trường hay trong một chuyến bay nào đó.


tranh Paul Klee
  

Trong bầu không khí đầm ấm chiều hôm ấy, căn bếp rộn rã tiếng cười, những câu chuyện không chủ đề, chuyện nọ xọ chuyện kia, cà kê dê ngỗng, cho tới những hoạt động nóng bỏng cứu cấp hàng triệu người Việt đang vượt biển Thái Bình Dương lánh nạn Cộng Sản…

«Và thế đó, mối sầu chan chứa đành nhường chỗ, rút lui khỏi cõi lòng, trước sức tấn công của cái cơn cười vui nhiệt hứng cuồn cuộn của một vài bộ óc tài hoa nổi bật, linh hoạt mãnh liệt vô song, cao nhã tuyệt vời đôi lúc, — những bộ óc tài-khí-chịu-chơi như thường gặp vào những thời đại canh tân cách mệnh, hoặc tàn phế suy đồi, và những cuộc bàn cãi ngửa nghiêng xiêu đình đổ quán của họ dấy lên tới mức rạch đôi sơn hà, nghiêng trời trí dũng nào, mà thỉnh thoảng vài đứa, thuộc loại e dè chúng tôi, phải chạy tới bên cửa sổ xem chừng ngoài kia có đầy sông kình ngạc, chật đường giáp binh… » (Gérard de Nerval, Souvenirs du Valois, Mùi hương xuân sắc, Bùi Giáng dịch).


Đó là lần thứ hai hay thứ ba tôi gặp Phạm Công Thiện ở đây. Trước đó vài năm, lần đầu tiên tôi đến thăm tòa báo Quê Mẹ, anh Thi Vũ kéo tôi lên phòng văn trên gác. Không hiểu sao, cuộc nói chuyện lại xoay quanh những kỷ niệm văn chương. Chúng tôi đọc to theo trí nhớ mấy câu trong bài «Hôm nay tôi đi học» trong tập đoản văn «Quê Mẹ» của Thanh Tịnh.  Bữa đó, tôi đọc lại 2 câu thơ của Phạm Công Thiện, lần đầu tiên gặp trong sách địa dư chí của Quách Tấn, «Xứ trầm hương», và tôi đã thuộc nằm lòng (01):


mưa chiều thứ bảy tôi về muộn

cây khế đồi cao trổ hết bông


Một lần họp mặt khác, tôi còn nhớ có cả Đặng Tiến. Hình như hôm đó, Phạm Công Thiện đọc cho nghe mấy câu thơ rất lạ mà tôi không hiểu ý là gì:


Thân anh như con chó

Đứng đợi giữa chợ chiều…


Mãi sau này tôi mới biết 3 người Thi Vũ, Đặng Tiến, Phạm Công Thiện là đều bạn cũ từ lâu. Và hiểu rõ nghĩa thật của mấy câu thơ trên.

Trong bài «Nhớ thương Phạm Công Thiện», Đặng Tiến kể lại như sau (02):

«Thiện với tôi, duyên nợ vẫn tiếp tục: tôi ra nước ngoài, làm ngoại giao tại Thụy Sĩ, khoảng 1967. Một hôm đi làm về thì thấy Thiện ôm ba lô ngồi trước cửa. Thiện ở chơi dăm ba hôm gì đó, thường uống rượu say, rồi vác ba lô lên đường. Vài ba năm sau, tôi gặp lại anh tại Paris. Anh tá túc tại nhà in của Thi Vũ, chơi thân với họa sĩ Vĩnh Ấn. Thiện sống lang bang vất vả, có đọc cho tôi nghe bài thơ về cảnh chợ trời Montreuil:


Thân anh như con chó

Đứng đợi giữa chợ chiều

Một chiều em qua đó

Con chó đứng nhìn theo.


(…) Thỉnh thoảng anh đến tìm tôi, chiều thứ hai sau giờ tôi dạy học để cùng đi uống bia tại công trường Contrescarpes, khu Censier, nhìn những con chim đến đậu trên giây thép hay những cành trụi lá. Có hôm anh hỏi xin tôi bao thuốc lá. Tôi bảo «vậy tao mua cho mày cả tút» (cartouche). Thiện trả lời «vậy mày đưa tiền ấy cho tao mua sữa cho con». Thời điểm này anh vợ con nheo nhóc, không giới hạn sinh đẻ vì theo… quy luật thiên nhiên.»


Có một buổi họp mặt khác mà tôi vẫn nhớ như tối hôm qua. 

Những người có mặt hôm đó là: Đoàn Đức Nhân, Thi Vũ, Lê Mộng Nguyên (07), Phạm Công Thiện và vài ba người khác nữa. Đặc biệt, Thi Vũ mời được ca sĩ Hoàng Oanh, đảm nhiệm ngâm thơ. Tối hôm đó, Hoàng Oanh ngâm bài «Kẻ lạ» (05) của Thi Vũ, và một bài của Phạm Công Thiện:


mười năm qua gió thổi đồi tây

tôi long đong theo bóng chim gầy

một sớm em về ru giấc ngủ

bông trời bay trắng cả rừng cây


gió thổi đồi tây hay đồi đông

hiu hắt quê hương bến cỏ hồng

trong mơ em vẫn còn bên cửa

tôi đứng trên đồi mây trổ bông


gió thổi đồi thu qua đồi thông

mưa hạ ly hương nước ngược dòng

tôi đau trong tiếng gà xơ xác

một sớm bông hồng nở cửa đông


Tôi bắt đầu đọc sách Phạm Công Thiện vào năm 1967. Lúc đó bị lôi cuốn mãnh liệt khi đọc mấy lời nhắn nhủ gửi một người trẻ tuổi, trong cuốn sách mỏng "Nói với tuổi hai mươi" của Nhất Hạnh (03). Người trẻ tuổi ấy chính là Phạm Công Thiện. Trong một lần gặp mặt ở tòa báo Quê Mẹ (1984), Phạm Công Thiện đã xác nhận điều đó và kể cho chúng tôi nghe thêm ít nhiều chi tiết trước sau, chung quanh về cuốn sách đó của Thiền sư Nhất Hạnh…

Hồi đó (1967) tôi tìm đọc hết những tác phẩm của Phạm Công Thiện mới xuất bản (Trời tháng tư, Hố Thẳm Tư Tưởng, Im lặng Hố Thẳm…), và nghe tên Phạm Công Thiện nổi tiếng như cồn. Tập thơ «Ngày sinh của rắn», tôi đọc lời rao xuất bản trong một tạp chí văn nghệ đâu đó, nhưng không tìm thấy bán ở Sài Gòn (04).

Cuối năm sau (1968) tôi sang Pháp du học. Bên nhà tiếp tục gửi cho tôi thêm vài cuốn nữa của Phạm Công Thiện (Bay đi những cơn mưa phùn, Tôi là ai, Henry Miller, Tự do đầu tiên và cuối cùng…).

Đời sống học hành, yêu đương, du lịch lang thang, công việc làm ăn… cuốn đi như mộng…

Bẵng đi nhiều năm sau những cuộc gặp gỡ nói trên (trước sau 1984), tôi nghe tin Phạm Công Thiện sang Mỹ.

Hình như trong một dịp tôi sang Mỹ thăm em tôi ở Houston, tôi mua được một hai cuốn sách Phạm Công Thiện xuất bản. Nhưng bỏ trong đống sách, bao nhiêu năm không đọc tới.

Đùng một hôm, từ hơn một năm nay (2020-2021), trong cơn đại dịch lan tràn thế giới, trong một tâm tư riêng biệt, tôi bắt tay vào việc đọc lại toàn bộ 3254 câu thơ truyện Kiều, thẳng vào những văn bản bản chữ nôm cổ, đối chiếu với chữ quốc ngữ, đồng thời soát lại toàn thể những chú giải của những nhà khảo cứu truyện Kiều từ xưa tới bây giờ (Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim, Tản Đà, Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Hòe, Đào Duy Anh, v.v.).

Rồi tình cờ, thấy lọt ra từ đống sách cũ lâu năm chưa đọc tới, 2 cuốn sách của Phạm Công Thiện: «đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất» (1988) và «Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc» (1996).

Cuốn thứ nhất, tôi nhâm nhi cả tháng nay chưa hết, hôm nay còn đánh dấu ở trang 193 trên gần 350 trang cuốn sách. Đọc đâu đó câu «anh thì lúc nào cũng thế», thấy đúng là Phạm Công Thiện. Cuốn sách này kể rất trung thực tâm tư những tháng ngày lãng đãng của Phạm Công Thiện ở Garden Grove  (California, USA). Bao nhiêu tơ tưởng triết lý văn chương kỷ niệm tuối thơ tràn về như sóng vỗ… «kỷ niệm xưa về trong khói cao, nhớ nhung ướt đầy chăn gối».

Riêng quyển viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều, lúc mới đọc tôi hơi ngán ngẫm vì lối viết văn khệnh khạng học giả giáo khoa (đúng như tâm trạng hồi xưa học Truyện Kiều ở nhà trường, ngán như ăn cơm nếp nát). Nhưng kiên nhẫn đọc thêm, vì lý do «nghề nghiệp», — tôi đang làm việc chú giải Truyện Kiều —, tôi bỗng khám phá ra rằng Phạm Công Thiện đã nghiên cứu Truyện Kiều hết sức công phu, đã đọc kĩ lưỡng từng câu từng chữ tập thơ và những thi phẩm khác của Nguyễn Du. Phạm Công Thiện đọc tất cả những sách khảo cứu truyện Kiều từ xưa tới nay (Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim, Tản Đà, Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Hòe, Đào Duy Anh, v.v.), rồi so sánh phân tích nhiều bản dịch truyện Kiều sang tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tàu.

Cuốn sách này đưa tôi trở về văn bản của Nguyễn Du, cân nhắc cách đọc âm từng chữ nôm sang chữ quốc ngữ, xét lại từng chú giải mà mình đã viết…

Rồi giật mình đọc lại những chữ, những câu, nhiều khi rất nhỏ nhặt không để ý,  — bây giờ chuyển sang một bình diện khác, một bình diện khác nữa, không ngờ (06).

Nhớ tới Phạm Công Thiện là nhớ tới 2 câu thơ anh làm khi mới ngoài 20 tuổi, trên đồi chùa Hải Đức Xứ Trầm Hương:


mưa chiều thứ bảy tôi về muộn

cây khế đồi cao trổ hết bông




Đặng Thế Kiệt

2022-01-29 (cuối năm Tân Sửu)




chú thích


(01) Quách Tấn «Xứ trầm hương» (1969):

Phạm Công Thiện, lúc còn tu tại Phật Học Viện (1962-1964), sáng tác được nhiều giai phẩm, trong đó có câu:

mưa chiều thứ bảy tôi về muộn

cây khế đồi cao trổ hết bông

(…)

Quách Tấn ghi thêm trong đoạn viết về chùa Hải Đức ở Nha Trang: «Trong Mộng Ngân Sơn (có bài) «Lịu Địu» gởi Phạm Công Thiện:

Áo giũ ngày sương gió

Lên chùa thăm cố nhân

Non nghiêng chiều nắng xế

Lịu địu bóng nhàn vân.

«… biết đâu chùa Hải Đức lại không trở thành nơi hòa hợp đạo lý và văn chương, nơi trồng tỉa dị thảo kỳ ba để phong phú cho vườn văn hóa dân tộc.» (trang 279-280)

(02) Đặng Tiến «Nhớ thương Phạm Công Thiện»:

Thiện với tôi, duyên nợ vẫn tiếp tục: tôi ra nước ngoài, làm ngoại giao tại Thụy Sĩ, khoảng 1967. Một hôm đi làm về thì thấy Thiện ôm ba lô ngồi trước cửa. Thiện ở chơi dăm ba hôm gì đó, thường uống rượu say, rồi vác ba lô lên đường. Vài ba năm sau, tôi gặp lại anh tại Paris. Anh tá túc tại nhà in của Thi Vũ, chơi thân với họa sĩ Vĩnh Ấn. Thiện sống lang bang vất vả, có đọc cho tôi nghe bài thơ về cảnh chợ trời Montreuil :

Thân anh như con chó

Đứng đợi giữa chợ chiều

Một chiều em qua đó

Con chó đứng nhìn theo.

Dường như thời đó, anh sống nhờ vào giúp đỡ của nhà văn Henry Miller gửi từ California.

Sau đó cưới vợ, sang Đức, rồi trở lại Paris. Thỉnh thoảng anh đến tìm tôi, chiều thứ hai sau giờ tôi dạy học để cùng đi uống bia tại công trường Contrescarpes, khu Censier, nhìn những con chim đến đậu trên giây thép hay những cành trụi lá. Có hôm anh hỏi xin tôi bao thuốc lá. Tôi bảo «vậy tao mua cho mày cả tút» (cartouche). Thiện trả lời «vậy mày đưa tiền ấy cho tao mua sữa cho con». Thời điểm này anh vợ con nheo nhóc, không giới hạn sinh đẻ vì theo… quy luật thiên nhiên.

Tình hình cải thiện khi anh tìm được chỗ dạy học tại Đại Học Toulouse, môn Triết học… Tây Phương.

Sau đó, khoảng mười năm không tin tức, cho đến ngày anh lại tìm tôi tại Paris tặng cuốn kỷ yếu song ngữ Việt-Pháp có nhiều hình minh họa đẹp.

(03) Đặng Thế Kiệt «bóng ngày qua» http://bong-ngay-qua.blogspot.com/2016/07/ca-chet.html:

Năm ấy, chưa đầy 17 tuổi, tôi đang học thi Tú Tài phần Một ở Sài Gòn. Chiến tranh Việt Nam bắt đầu càng ngày càng khốc liệt. Anh tôi nghỉ phép quân đội về thành, đem tặng tôi cuốn sách mỏng nhan đề "Nói với tuổi hai mươi" của tác giả Nhất Hạnh mà tôi chưa nghe đến bao giờ. Tôi hiểu ý anh tôi dùng món quà thay lời khuyên nhủ đứa em trai. Giản dị lắm, đại khái muốn bảo tôi hãy cố gắng học giỏi thi đậu và chưa phải đi lính ngoài tiền tuyến như anh ấy bấy giờ. Nhưng khi đọc cuốn sách, mặc dù lời văn rất trong sáng ngọt ngào, tôi lại bị lôi cuốn mãnh liệt vì một lá thư của một người tuổi trẻ ngang tàng, cũng chính là đối tượng của cuốn sách kia. Nhất là mấy câu viết này (ghi lại theo trí nhớ): "Chúng tôi không cần tới các ông nữa. Chúng tôi tự gánh lấy trách nhiệm của mình trên những đôi vai yếu đuối..." Không còn nhớ trong hoàn cảnh nào, tôi vùng ra tiệm sách Khai Trí đường Lê Lợi mua về đọc ngấu nghiến bộ sách dày cộm "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học" của Phạm Công Thiện.

(04) Tập thơ Ngày Sinh Của Rắn của Phạm Công Thiện do Thi Vũ trình bày và Nhà xuất bản, Hoa Nắng in lần thứ nhất ở Paris, 1966.

(05) Thi Vũ

KẺ  LẠ

Ngày dài đêm cũng dài,  vì ta sống trong hiu quạnh và cô đơn.  

Bỗng chiều nay kẻ lạ đến gõ cửa.  

Lòng xôn xao chan chứa mừng vui đón kẻ lạ từ xa.   

Một kẻ lạ mà ta đã từng quen biết.  

Ta đón mời với tất cả nhiệt tình.  Như kẻ hành hương thấy dáng thánh đường.

Tựa người lữ thứ trở lại quê hương.  Như nước nguồn về biển cả.

Mời kẻ lạ chén nước trà và nói năng vồn vã bao nhiêu điều chất chứa từ lâu với kẻ lạ đến từ xa

Chốc chốc giờ reo, đều như nhịp chèo xuôi sông.  Kẻ lạ nhếch môi cười rồi ra đi,  một nơi nào rất xa.

Ngày dài đêm cũng dài, vì ta sống trong hiu quạnh và cô đơn.  Vì kẻ lạ đã đi rồi, một nơi nào rất xa.

Thi Vũ

Trich tập thơ Hoa Nắng, An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1970

http://www.gio-o.com


(06) Đặng Thế Kiệt, «Giúp đọc Truyện Kiều»

http://vietnamtudien.org/TruyenKieu/

(07) Lê Mộng Nguyên: «người hẹn cùng ta» 

http://bong-ngay-qua.blogspot.com/2017/02/nguoi-hen-cung-ta_11.html












Sunday 20 December 2020

Hà Nội đi tìm

 



(2020/06/19, 14:30)

Hà Nội trong tôi không có Hồ Gươm, Vườn Bách Thảo... mà là một thành phố đỏ rực màu cờ.

Xe nhà binh chạy sầm sập trên đường, người tụ tập hai bên vỉa hè đông nghẹt, hoan hô rầm rĩ. Tôi nghển cổ nhìn, chỉ thấy đầu người và những lá cờ bay.

Tôi đứng trên một vỉa hè phố Quan Thánh, gần nhà chú Thụ chỗ gia đình chúng tôi đang ở tạm (vợ chú Thụ là em ruột của mẹ tôi).

Cái tên phố này, lúc đó tôi không hề biết. Nhưng bao nhiêu hình bóng lũ lượt đổ về, tự động sắp xếp thành một bức puzzle.

Thấy nhiều người đeo trên túi áo một tấm hình tròn lồng kính ngộ nghĩnh. Chạy về nhà xin bố mua. Nét mặt bố bỗng nhiên nghiêm khắc hẳn lên làm tôi ngơ ngác không hiểu tại sao.

Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy
Là những nhành sông đỏ sóng cờ
Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại
Năm cánh xòe trên năm cửa ô...

Mãi sau này, lần đầu đọc bốn câu thơ trên đây của Vũ Hoàng Chương, tôi nhận ra ngay Hà Nội trong trí nhớ chính là Hà Nội vào những ngày tháng đó.

Bây giờ thì tôi nhớ rõ gia đình chúng tôi đến Hà Nội từ mấy hôm trước.

Một sớm, có người đánh thức, đưa cho tôi một tô bánh sợi trắng nuốt, nước còn nóng hổi. Đó là anh Tế, tuổi độ 15, là người làm cho gia đình tôi. Anh Tế là con một gia đình cùng làng với cha mẹ tôi ở Hà Đông. Có lẽ lần đó đi theo cha mẹ tôi chuẩn bị vào Nam...

Đó là lần đầu tiên tôi được ăn phở (không thịt), ngon ngọt lạ thường.

Tôi còn nhớ, có hôm theo anh Tế nhặt những quả bàng rơi, lấy đá đập bể, moi lấy nhân ăn, bùi bùi thơm thơm. Có lần anh ấy lấy gậy khều một trái gì rất lạ, trên cành thòng vào balcon nhà chú Thụ. Trái hình bầu dục (bây giờ thì tôi biết nó hơi giống trái cacao), lúc anh Tế đập ra, thấy còn xanh, vứt đi chỗ nào tôi không để ý. Anh Tế biết làm nhiều trò vui. Có lần anh ấy biểu diễn chỉa hai ngón tay như bắn súng, bịm môi nhịn thở, dồn hơi xuống bụng, bịp bịp phát ra tiếng rắm, làm mọi người cười nghiêng ngả.

Chúng tôi nhiều lần chạy sang nhà Bà Trẻ ở bên kia đường. Chúng tôi gọi là Bà Trẻ, vì bà là cô của mẹ tôi. Căn gác nhà Bà Trẻ lúc nào cũng âm u hương khói. Nhưng tôi hay chú ý tới cái bình sứ cắm hoa giả. Lần nào, nếu Bà Trẻ có mặt, cũng với tay gỡ mấy cái hoa hình quạt hoặc như cánh bướm, mở ra thành tờ giấy bạc, cho mỗi đứa một cái.

Anh tôi một lần được Bà Trẻ cho một sợi dây chuyền vàng có gắn một cái móc bằng ngà voi. Không hiểu sao, một hôm anh ấy đem đổi sợi dây chuyền với một thằng bé nhà bên cạnh, lấy hai chiếc bánh xe bằng cao-su. Hai anh em thỉnh thoảng mỗi đứa ngồi một góc phòng trên gác, lăn qua lăn lại hai cái bánh xe, cũng vui.

Hình như lúc bấy giờ anh được vô ban nhi đồng trong phố tập đánh trống cà rà rình theo điệu xôn đố mì:

Đây thiên đường tổ quốc chúng ta,
Đây ruộng vườn quê hương ngàn đời...

(2020/06/19, 21:40)

Năm đầu vào Nam, gia đình tôi ở Đà Lạt. Trong nhà có cậu Nghị — em mẹ tôi, cùng với một người bạn lính thuộc Ngự Lâm Quân của cựu hoàng Bảo Đại, đến trọ một thời gian (1).

Buổi tối trong phòng ngủ, cậu tôi thường hút thuốc lá, thở ra những vòng khói xanh huyền ảo, và thích hát bài "Hướng Về Hà Nội".

Lớn lên một chút, thỉnh thoảng nghe bố mẹ nói chuyện với nhau, hoặc đọc văn của Thạch Lam, Nguyễn Đình Toàn... tôi mới biết thêm những tên đường kì lạ.

(2020/06/21, 14:27)

wikimedia.org/wikipedia/ 
Tháp Rùa

Tôi vụt thấy mình đứng sững nhìn Tháp Rùa trên nước lung linh.


(2020/06/30, 16:59)

Lúc vừa viết xong câu trên, cách đây 9 ngày, tôi nhớ rõ: đầu óc bỗng khựng lại, mấy ngón tay gõ phím đờ đẫn.

Một câu hỏi lóe lên: Tôi đang viết Cái gì đây? Để làm chi? Chẳng là rót thêm mấy giọt nước bẩn vào đầu người đọc?

***

Bạn đọc thân mến, xin cho phép gọi như thế, theo thể điệu của Baudelaire (Au Lecteur).

Hôm đó, tháng 7 mùa hè 2002, lần đầu tôi trở về thăm Hà Nội, — 48 năm sau ngày theo bố mẹ lên tàu vào Nam.

(2020/07/01, 02:01)

Tháp Rùa giống hệt như trong con tem hình Hồ Hoàn Kiếm tôi sưu tầm được những năm xưa. Những con tem rất quý, bóc ra từ những bao thư cậu Nghị để lại, khi cậu từ giã gia đình tôi ở Đà Lạt, lấy chuyến tàu cuối cùng về Bắc, tìm lại người vợ thân yêu (1).



(còn tiếp)



Chú thích

(2)































Sunday 13 December 2020

giàn hoa giấy

  

Lời dẫnXin phép các tác giả sách "Quách Tấn, Thiên Nhiên và Quê Hương" (Việt Nam, 2007) cho đăng lại trong blog này bài viết in trong sách, trang 302-303, trích từ hồi ký của Quách TấnBóng ngày qua, phần Đời văn chương.


bìa của họa sĩ Vĩnh Ấn 1965

Cây hoa giấy trong vườn tôi màu đỏ điều, gốc bằng bắp vế, tàn nằm trên giàn gỗ rộng, tỏa mát cả mảnh sân trước phòng ngủ của tôi. Nhờ giàn hoa, nắng trưa không chói vào nhà, nắng chiều không lọt vào nhà.

Hoa ra đầy nhánh. Mùa nắng thạnh hơn mùa mưa.

Cánh hoa mỏng như giấy, nên khi rụng bay theo gió chập chờn như bươm bướm mùa xuân. Nếu được chút hương nữa thì tuyệt.

Mùa hè tôi ngủ ngoài nhà dù, cạnh giàn hoa. Sáng thức dậy vừa cuốn mùng thì hoa bay vào đầy cả giường. Trên mặt drap trắng, sắc hoa làm nổi bật vẻ xuân. Tôi nằm yên nhìn hoa múa. Múa chán đua nhau chui vào lòng, tấp vào gối, bay lên mặt lên đầu... Không nỡ trở mình vì sợ làm "nát đời hoa". Đợi con Mộng Hoa (người con gái thứ sáu) con Trung Thu (thứ bảy) ra lượm tất cả ướp vào hộp của chúng rồi tôi mới trở dậy.

Mỗi tuần ít ra cũng một lần vui với hoa với con trong buổi sớm thức dậy.

Bên vườn láng giềng cũng có một bụi hoa giấy mọc nơi rào, sắc tím.

Màu tím của khóm hoa này không đượm đà như màu hoa sim. Màu tím lờn lợt như nước trái bàn chải, trông vô duyên như các me Tây già làm đỏm. Tôi không ưa nhìn mà cũng không thích để lẫn lộn vào hoa của tôi, cho nên hễ bên láng giềng bò qua nhánh nào là tôi chặt rụi nhánh nấy! Khi ghét thì lòng trở nên tàn nhẫn! bất công! Rồi một hôm, một đóa hoa tím ở bên láng giềng, rụng tận ngoài ngõ cũng bay trộn vào với hoa trong vườn, bay lên giường tôi.

photo 2020 dtk@huediepchi.com
Giữa đám đông hoa điều, tôi cảm thấy đóa hoa tím lẻ loi tội nghiệp quá! Không biết hoa sợ tôi hắt hủi hay thông cảm nỗi lòng tôi nên một khi bay lên giường tôi thì chui ngay vào lòng tôi, trước hết các chị em! Tôi cảm động, thật tình cảm động, ôm nhẹ đóa hoa vào lòng... 

Tôi hối hận đã ghét hoa tím một cách vô lý. 

Từ ấy tôi hết chặt hoa tím và cây hoa bên láng giềng bò sang bên vườn tôi, đỏ tím chen nhau trông lại càng đẹp mắt.


Quách Tấn

(trích Bóng ngày qua, phần Đời văn chương)


Ghi chú 

Để nhớ lại lần đến thăm nhà thi sĩ Quách Tấn (1910-1992), đường Bến Chợ, Nha Trang, năm 1996. Lần ấy, tôi được con trai nhà thơ là Quách Giao tặng cho một bản tập thơ Đọng bóng chiều, in lần thứ nhất 1965.

Cái tên chọn cho blog này — Bóng ngày qua, tôi mơ hồ không biết có phải đã chịu ảnh hưởng từ nhan đề tập Hồi ký của Quách Tấn hay không nữa. Tập hồi ký này, tôi nghe tên đã rất lâu, hơn 40 năm rồi, trên tạp chí Quê Mẹ, rao sẽ xuất bản, và tôi cứ chờ đợi từ ấy đến giờ. May mà tôi cũng đã được đọc một số bài trích tuyển. Nhớ nhung da diết, như muốn tìm về thời gian đã mất hoặc quê hương không còn nữa.






















Saturday 13 June 2020

mơ ơi


Buổi sáng, đang đứng trong vườn, chợt thấy một con rùa vàng dưới một gốc cây, tôi kêu to:
— Con rùa, con rùa...

Nhà tôi và hai cháu bé, một gái một trai, vội hỏi cùng một lượt:
— Đâu, rùa đâu?

Trên sân cỏ nắng chói, nhìn không dễ. Tôi bước lại gần gốc cây, dí ngón tay lên lưng con rùa, nói:
— Nó đây này.

https://fr.wikipedia.org/wiki/
Tortues_terrestres
Ai bảo chậm như rùa, con này nhanh gớm. Vụt một cái, nó đã chạy xa mấy thước. Thỉnh thoảng, tôi cứ phải chụp lấy nó, đem về chỗ cũ. Hai đứa bé cười khanh khách. Bây giờ không sợ nữa, thay nhau bắt chước tôi, chụp con rùa, đùa giỡn vui vẻ.

Lúc đó, tôi quan sát kĩ, thấy con rùa rất đẹp. Thân rùa bề ngang to hơn bàn tay tôi mở rộng. Mu rùa khắc ô chữ nhật, nền vàng vạch đen. Trông như một bức hình học không gian.

Chơi đùa với con rùa một hồi lâu, cũng chán. Hai đứa bé vào chỗ mát trong vườn, nhờ tôi tìm cách buộc con rùa vào một chỗ. Mới đầu, tôi lấy dây buộc con rùa bốn góc như một gói quà. Nhưng thằng bé cầm một lúc là tuột dây. Tôi bèn vào nhà chứa đồ nghề làm vườn, tìm được một cái khoan điện, đem ra thử khoan một lỗ trên mu gần đuôi rùa. Sợ làm đau con rùa, có thể cũng vì nhát tay, tôi khoan hoài không lủng. Tiếng máy khoan ré lên, nhức óc. Đứa con trai út của tôi, hồi đó lên đâu bốn năm tuổi, nói: 
— Thôi, bố đừng khoan nữa.

Vừa vặn, có cha mẹ vợ đến thăm. Ông bà cha mẹ vợ tôi chính là chủ ngôi biệt thự này. Mỗi năm, gia đình chúng tôi, khi nào muốn, đến đây nghỉ hè. Ông bà chủ nhà sắp xếp đi ở mướn trong một làng gần đó, để cho chúng tôi ở tự do thoái mái suốt một tháng hè.

Hôm đó, ông cha dượng của nhà tôi, nói:
— Thực ra, mình không có quyền giữ rùa như vậy...

Loài rùa đất này là một trong những loài vật được bảo vệ trong môi trường thiên nhiên.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện cổ, có người thuyền chài, một hôm lưới được một con rùa, nhưng không nỡ giữ lại, đem nó thả xuống biển. Đêm về, nằm ngủ có thần báo mộng: Con rùa người chài bắt được trong ngày chính là con của Long Vương dưới biển. Đền ơn chàng ngư phủ, năm nay sẽ đỗ Trạng nguyên...

Tôi ra sau vườn, tìm được chỗ chất củi dành đốt lò sưởi mùa đông. Lựa được mấy chục đòn gỗ dài 30-40 cm, bề ngang to như bắp vế đàn bà.

Lấy xe bù ệt chở củi ra sân cỏ trước nhà. Loay hoay một lúc, làm xong một cái cũi rùa, bề ngang 1 m, bề cao 0,5 m. Tôi bỏ con rùa vào cũi. Nó vùng lên chạy tứ phía, tìm cách thoát thân. Có lần, leo lên một khúc củi, bị té lật ngửa, chổng bốn cẳng lên trời. Tôi lật úp nó trở lại, nói thầm: "Mi chổng cẳng lên trời, chỉ có chết khô...".

Buổi chiều, hai ông bà cha mẹ vợ đã ra về, chúng tôi muốn đi tắm biển. Trên đường lái xe ra bãi, cách nhà khoảng một hai cây số, tôi vui miệng hỏi hai đứa bé đã đặt tên cho con rùa chưa. Chúng nó đồng ý với nhau, gọi tên rùa là Caroline — như trong những bộ phim hoạt họa hằng tuần, trên đài truyền hình dành cho con nít thời đó. Riêng tôi, gọi tên con rùa là Mơ —vì đã gặp con rùa dưới gốc cây mơ (abricotier).

Xe vừa đậu xong bên đường cạnh bãi cát, hai đứa nhỏ đã chạy ào xuống nước, vùng vẫy trong bọt trắng biển xanh...

Xe lăn lạo xạo trên sân trải sỏi trắng trước nhà, vừa ngừng bánh, hai đứa nhỏ đã chạy ùa ra chỗ cũi rùa. Hỡi ơi, con rùa đã biến đâu mất, không biết từ bao giờ. Mọi người chia nhau xục xạo khắp khu vườn rộng.

Bước lên sân gạch cao ở sau nhà, lòng bồi hồi nghe tiếng trẻ khóc hức hức sau những lùm cây. Ngước mắt nhìn ra xa, khu vườn này tiếp khu vườn kia, chạy dài tới biển. Mọi sự diễn ra đúng như tôi mong ước, ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Mơ tìm lại tự do...

Mơ ơi!


(Viết lại theo trí nhớ một bài cũ khoảng 40 năm về trước
ở Saint-Tropez, 19yy/mm/dd)















Wednesday 3 June 2020

chém tre đẵn gỗ trên ngàn


(2020/06/02, 00:30)

Bụi trúc này tôi đem từ Lugano (Thụy Sĩ), vườn nhà anh Thưởng, cách đây quãng 15 năm. Anh Thưởng là người trồng cây rất đẹp, nhất là về bonsaï, đặc biệt là các loại hoa lan. Lần thăm anh năm đó, còn được anh dẫn lên núi xem rừng hoa đỗ quyên. Ngắm hoa, nhìn xuống cảnh hồ thành phố, thấy đây là xứ thần tiên.

Hôm đem trúc Lugano về nhà, tôi nhớ chỉ có ba bốn cành tỉa ngắn, vì phải để trong xe mang về Pháp. Vậy mà chỉ hai ba năm sau, trong vườn đã mọc một bụi xanh um.

Mỗi năm, kể từ khoảng giữa mùa xuân, đọt măng lan đầy chung quanh bụi trúc. Cách đây hai năm, măng trúc còn tràn tới gốc bụi buis bên cạnh. Một khối cầu xanh mướt, đường kính lớn hơn 1 m, bỗng nhiên héo úa suýt chết.

Năm nay, suốt hạ tuần tháng Năm, ngày nào cũng nghe nhà tôi cằn nhằn, trồng bụi trúc ở chỗ này thiệt lầm rồi. Trong bụng tôi cho nhà tôi có lí. Nhưng nghĩ tới việc phải vác cuốc ra đào trúc, tôi ớn quá, cứ lần lữa qua ngày. 

Cách đây khoảng mười năm, tôi từng trải qua một cuộc "đào trúc trần ai". Số là dọc theo một bức tường chung với nhà hàng xóm phía đông, tôi đã trồng một hàng rào trúc dài hơn mười lăm thước. Năm đó, người hàng xóm than phiền, trúc vườn nhà tôi đã chui qua chân tường xi-măng, mọc đầy bên vườn họ. Tôi nhớ, lần đó đã hì hục ba ngày, mới dọn sạch đám rễ trúc rừng xâm chiếm đất người ta. 

Rút kinh nghiệm như thế, lần trồng trúc Lugano, tôi đã chọn chỗ đất ở giữa vườn, không sợ rầy rà hàng xóm. 

Nhưng rõ ràng năm nay, măng non lan mạnh chưa từng thấy. Không những nhú đầy trên sỏi trắng khu vườn kiểu Nhật ở phía sau, lại còn mọc tùm lum, chui từ dưới gạch lót vòng quanh hồ trồng sen, trồng súng... và nuôi cá làm cảnh nữa.

Sau cùng, từ ba hôm nay, tôi quyết định đem bụi trúc chuyển vô chậu.

Mỗi sáng, uống trà hoặc cà phê xong, tôi đội mũ, thay quần áo làm vườn, vác dụng cụ đủ loại ra đào trúc. Kinh nghiệm đầy mình, tôi chuẩn bị sẵn cuốc, xẻng, dao tỉa cành, cưa, đục, v.v.

Hỡi ơi, không thể nói là đào trúc, phải nói là chặt, là cưa, là đục, là chém!

Những cây trúc xanh um, thân bóng mượt như thế, nhưng đụng tới gốc của chúng, mới thấy đoạn trường.

Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai! (1)

Tôi cuốc toé lửa xuống gốc bụi trúc, không nhúc nhích gì cả. Vì đất thì khô và cứng. Khi cạy ra được một chút rễ, khô, chằng chịt với nhau, biến thành đá có thớ vàng.

Không được, không được. Phải có chiến lược mới xong.

Tôn Tử nói: Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. 

Sau khi phân tích tình hình, tôi biết sức mạnh của trúc ở cái mớ rễ kia đoàn kết chặt chẽ với nhau thôi. 

Trước hết, tôi tìm cách chia rẽ bụi trúc ra thành nhiều cụm nhỏ. Bắt đầu tiến công thẳng vào cả bụi, rất khó. Tôn Tử nói phải đánh vào chỗ trống, tức là chỗ quân địch không đề phòng. Trong trường hợp của bụi trúc này, "chỗ trống" chính là mấy kẽ nhỏ giữa các gốc cây. Dùng đục đóng vào nhưng kẽ đó, cào cạo từ từ đất bám, nạy ra từng đoạn ngắn rễ nổi trên mặt đất, cắt đứt, cưa đứt đất bám rễ, cho tới khi nào có đủ một cái rãnh đủ lọt mũi cuốc. Thường thường, phải cắt bỏ một hay nhiều thân cây để tạo chỗ trống. 

Nếu chưa được, phải kêu cứu tới ông Lão Đam: Nhu thắng cương, nhược thắng cường. Đem vòi nước rưới ướt đẫm mấy cái kẽ giữa những gốc cây và một cái rãnh vòng ngoài gốc bụi trúc. Đợi mấy giờ sau hoặc qua đêm, thì có thể bổ mũi cuốc vào khe trống, từ từ nạy ra và tách mấy gốc trúc vòng ngoài là dễ hơn cả. 

Archimède xưa có nói: Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể bẩy cả địa cầu. Nguyên tắc đòn bẩy áp dụng vào công việc nạy rễ trúc là đây. Cái khó, là tìm ra điểm tựa tốt nhất cho mỗi lần nạy bằng cái cuốc, dùng như một cái xà beng (tức là một loại đòn bẩy).

photo @dtk 2020
 











(2020/06/02, 14:50)

Vừa nuốt xong dĩa cơm cá saumon chiên. Từ sáng khoảng 9:30, đã mặc áo ra vườn chặt trúc, đến 13:00 vào nhà nghỉ. Lúc vào nhà, không muốn ăn gì cả, nốc lần thứ hai nửa lít nước chanh đường. Cám ơn bà xã chu đáo. Lên nằm nghỉ trưa hơn một tiếng đồng hồ, mới muốn ăn một chút để lấy lại sức, để lát nữa ra vườn tiếp tục "chiến đấu". 

Từ ba ngày rồi, mỗi ngày hai buổi ra vườn chặt trúc. Chiều hôm qua, theo phương lược đề ra, đã tách ra được bốn năm cụm trúc, mỗi cụm hai ba cây. Nhà tôi cũng phụ một tay, cắt ngắn thân cây còn chừng 1/2 bề cao cũ (bề cao bây giờ khoảng 2,5 m), tỉa bớt lá và trồng lại vào một chậu lớn.

Tôi để ý, làm việc cật lực như vậy, mà chỉ khát nước thôi. Trung bình hai buổi tôi uống ít nhất hai lít nước. Nước chanh đường và cả nước dừa đóng thành bịch. Nước dừa đóng vào bịch uống không ngon lắm. Vừa uống tôi vừa nhớ lại ngày xưa, được uống nước dừa tươi, cạnh Nhà thờ Ngã Sáu, trước cổng trường Chu Văn An. Mấy ông nhà quê, đẩy xe ba bánh, chất đầy những trái dừa xanh. Ai muốn uống, chỉ cần bỏ ra mấy đồng, ông ba gác lấy rựa chặt vỏ dừa tại chỗ, khoét một cái lỗ ở cuống, bỏ vào trong vài hạt muối. Khách hàng hút nước dừa, ngon mát thần tiên. Uống xong, còn lấy thìa nạo lớp cùi dừa non bên trong trái dừa, trắng nuốt, mát rượi cổ họng. Ôi, những ngày xưa thân ái...

Tôi vừa chặt rễ trúc, vừa suy nghĩ bâng quơ chuyện gà qua chuyện vịt. 

Lúc dao chạm phải một mớ rễ bám vào đất cứng như đá, tôi chợt buồn cười vì mấy chữ Việt "tóc rễ tre". Hì, hì, nói hơi quá, sao không nói "tóc bừa cào" luôn thể.

tranh Lương Khải 
(1140-1210)
Bỗng nhớ đến bức tranh của Lương Khải (2) diễn tả sự tích Lục tổ Huệ Năng chặt trúc ngộ đạo trong chớp mắt.

Muốn đục xuống đất tạo một kẽ trống, mới thấy thiếu cây búa tạ. Nhìn quanh quất chung quanh, may quá trong góc vườn Nhật bên cạnh, tìm được một cục đá to, chắc nịch, rất vừa tay. Đóng lên cây đục sắt một cái, đã quá. A ha, ta bỗng hóa thành người thượng cổ thời đại đồ đá (âge de pierre)! Câu thơ cũ của Tô Thùy Yên (3) lại vi vút trong đầu: "Ta hóa thân thành vượn cổ sơ."

Một lần, đào sâu xuống đất, từ đầu cuốc văng ra một con ốc sên. Mừng quá, vì nó chưa bị vỡ. Tôi lượm nó lên, bỏ ra xa, dưới gốc cây buis gần đó. Ngày xưa, Nhà Phật có ba tháng an cư kiết hạ, ở yên một chỗ để tránh giết hại côn trùng. 

Tôi bỗng nghĩ đến bà chủ vườn nhà. Hồi nhỏ, chưa đầy tám chín tuổi, nhà tôi do hoàn cảnh gia đình, phải sống với dì Năm. Thật vậy, bà má nhà tôi tái giá, lấy chồng xa, không tiện giữ con. Là (tạm gọi tên nhà tôi như thế) ở nhà dì Năm, ngoài một buổi đến trường, chỉ có bổn phận duy nhất: lo bồng bế mấy đứa em họ. Không biết vì lí do nào, Là từ nhỏ đã thích trồng cây. Đi đâu, thấy cây cỏ gì lạ, đều xin về trồng. Lần đó, Là xin được một gốc cây mít nhỏ thì phải, đem về nhà trồng trong một góc vườn. Ngồi mơ mộng trên võng đu em. Ờ, mai mốt lên được cây mít lớn, đem trái ra chợ bán, rồi mua con heo con nuôi cho lớn, đem ra chợ bán, mua được một con bò... Buổi chiều đi học về, chạy ra vườn xem, không thấy cây mít đâu nữa. Bà Ngoại nói: "Ôi thôi, tụi thằng Mãng lùa trâu chạy càn qua đó, đạp nát hết rồi!" Thằng Mãng là đứa em họ, tuổi xấp xỉ với Là, buổi tối hai đứa tranh nhau ngủ hai bên bà Ngoại... Sau này, hai vợ chồng tôi đi du lịch, ở bất kì thành phố nào trên thế giới, Là cũng đòi đi bằng được xem vườn bách thảo ở đó. Trên đường, thấy cây mình thích, nhiều khi lén bứt cành đem về nhà trồng. Một lần, thăm Trúc Lâm Thiền Viện ở Đà Lạt, Là trông thấy sau rào trong vườn nhà chùa một cành hoa gì thích lắm. Ngó tới ngó lui, chưa biết tính sao. May quá, có một ông sư đang đứng trong vườn, trông thấy, ngắt một nhánh hoa cho Là. Kể dài dòng như thế, để hiểu rằng Là mê cây cỏ chừng nào. Ấy thế mà, ở trong vườn nhà, mỗi mùa xuân, khi đem cây ra chăm sóc, tôi lại nghe tiếng Là kêu oai oái vì ốc sên hay limaces ăn hết những đọt cây non. Sau Là tìm được phương pháp trị ốc sên rất hiệu quả: đổ bia vào một cái đĩa khá sâu. Ốc sên, limaces ban đêm vô uống, chết trôi trong bia hàng đống...

Chiều hôm qua, kiểm điểm kết quả đạt được, nhà tôi góp ý: "Làm vậy bao giờ mới xong. Sao không nhổ từng cây một."

Lúc đó, tôi còn hơi lưỡng lự. Vì nhổ từng cây, nghĩa là đem vứt hết phần bụi trúc còn lại. Không khỏi đau lòng. 

Tôi lúc nào cũng thương trúc. Cuối vườn hướng Nam, tôi còn trồng một bụi trúc đen huyền, năm nào đem từ Saint-Tropez về không nhớ nữa. Bên góc đối diện, còn có mấy thân trúc vàng to bản. Đấy là chưa kể, trước đây có người còn cho một loài trúc thân vàng-xanh xen kẽ. Bụi trúc sọc vàng-xanh xen kẽ bị chết mất rồi.

Sáng nay ra chỗ bụi trúc, xăm soi một hồi. Mặt trời hôm nay có vẻ gay gắt và tôi cũng đuối sức rồi. Ok, thay đổi chiến thuật. Bây giờ dùng phương pháp "bắn sẻ" từng cây một. 

Tới trưa, tôi cắt sạch 50-60 cây trúc còn lại, chỉ chừa lại hai cây, chụp một tấm hình để ghi nhớ.

photo @dtk 2020


Ngày mai, tôi sẽ đốn chúng xuống, gom lại cùng hơn trăm thân trúc đã tỉa, dự trữ dùng làm cột đỡ (tuteurs), giàn, rào hoặc nhiều thứ hữu dụng khác trong vườn. Tôi sẽ san bằng mặt đất, đem chậu bụi trúc mới đặt chỗ này. 

Tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa, bụi trúc sẽ vươn lên, cao vút trời xanh.


***


Chú thích

(1) Ca dao Việt Nam.
(2) Lương Khải 梁楷 (1140-1210), họa sĩ đời Tống (960-1279)
http://www.chinaonlinemuseum.com/painting-liang-kai-sixth-patriarch.php
(3) Tô Thùy Yên (1938-2019): 
Mười năm mặt xạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ


Tán thán

Thế là Kiệt đã thực tập 3 ngày theo chủ trương Thiền Bách Trượng 百丈 "Bất tác bất thực" (nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực 一日不作一日不食). Tuy chưa Đả thất, còn gọi là Nhiếp tâm. Nhưng do không ăn nên Văn ra. Tốt. Nếu tôi nhớ không lầm thì câu "Kích trúc vong sở tri 擊竹忘所知" là do sự tích về Thiền sư Hương Nghiêm 香嚴, đệ tử Tổ Bách Trượng, trong khi chặt cây quét lá, một viên sỏi va khóm trúc phát ra tiếng, đập vào trí ông. Ông liền ngộ ngay lúc ấy. Sở tri là kiến thức mà Phật giáo cho là trở ngại cho chân lý xuất hiện (cf. Phật Quang Đại Từ Điển, Hương Nghiêm kích trúc 香嚴擊竹). Những năm tháng Huệ Năng 慧能 còn ở Lĩnh Nam bán củi nuôi mẹ. Nhân gánh củi đến tiệm bán nghe tiếng người tụng kinh đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm 應無所住而生其心" thì hoát ngộ. Hỏi khách tụng kinh gì, thỉnh ở đâu. Khách đáp Kinh Kim Cương 金剛, ở nơi tổ Hoằng Nhẫn 弘忍. Huệ Năng về lo liệu chuyện mẹ già rồi lên núi Hoàng Mai cầu pháp với Ngũ tổ Hoằng Nhẫn.

Cư sĩ Võ Văn Ái 
2020/06/05














Mưa trên phố Huế

  Chị TH, Ở Âu châu đã gần sang mùa đông, nhưng hoa cúc vàng còn đang nở rộ...  photo dtk 20xy Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu, Sắc mạnh huy ...