Sunday 20 December 2020

Hà Nội đi tìm

 



(2020/06/19, 14:30)

Hà Nội trong tôi không có Hồ Gươm, Vườn Bách Thảo... mà là một thành phố đỏ rực màu cờ.

Xe nhà binh chạy sầm sập trên đường, người tụ tập hai bên vỉa hè đông nghẹt, hoan hô rầm rĩ. Tôi nghển cổ nhìn, chỉ thấy đầu người và những lá cờ bay.

Tôi đứng trên một vỉa hè phố Quan Thánh, gần nhà chú Thụ chỗ gia đình chúng tôi đang ở tạm (vợ chú Thụ là em ruột của mẹ tôi).

Cái tên phố này, lúc đó tôi không hề biết. Nhưng bao nhiêu hình bóng lũ lượt đổ về, tự động sắp xếp thành một bức puzzle.

Thấy nhiều người đeo trên túi áo một tấm hình tròn lồng kính ngộ nghĩnh. Chạy về nhà xin bố mua. Nét mặt bố bỗng nhiên nghiêm khắc hẳn lên làm tôi ngơ ngác không hiểu tại sao.

Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy
Là những nhành sông đỏ sóng cờ
Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại
Năm cánh xòe trên năm cửa ô...

Mãi sau này, lần đầu đọc bốn câu thơ trên đây của Vũ Hoàng Chương, tôi nhận ra ngay Hà Nội trong trí nhớ chính là Hà Nội vào những ngày tháng đó.

Bây giờ thì tôi nhớ rõ gia đình chúng tôi đến Hà Nội từ mấy hôm trước.

Một sớm, có người đánh thức, đưa cho tôi một tô bánh sợi trắng nuốt, nước còn nóng hổi. Đó là anh Tế, tuổi độ 15, là người làm cho gia đình tôi. Anh Tế là con một gia đình cùng làng với cha mẹ tôi ở Hà Đông. Có lẽ lần đó đi theo cha mẹ tôi chuẩn bị vào Nam...

Đó là lần đầu tiên tôi được ăn phở (không thịt), ngon ngọt lạ thường.

Tôi còn nhớ, có hôm theo anh Tế nhặt những quả bàng rơi, lấy đá đập bể, moi lấy nhân ăn, bùi bùi thơm thơm. Có lần anh ấy lấy gậy khều một trái gì rất lạ, trên cành thòng vào balcon nhà chú Thụ. Trái hình bầu dục (bây giờ thì tôi biết nó hơi giống trái cacao), lúc anh Tế đập ra, thấy còn xanh, vứt đi chỗ nào tôi không để ý. Anh Tế biết làm nhiều trò vui. Có lần anh ấy biểu diễn chỉa hai ngón tay như bắn súng, bịm môi nhịn thở, dồn hơi xuống bụng, bịp bịp phát ra tiếng rắm, làm mọi người cười nghiêng ngả.

Chúng tôi nhiều lần chạy sang nhà Bà Trẻ ở bên kia đường. Chúng tôi gọi là Bà Trẻ, vì bà là cô của mẹ tôi. Căn gác nhà Bà Trẻ lúc nào cũng âm u hương khói. Nhưng tôi hay chú ý tới cái bình sứ cắm hoa giả. Lần nào, nếu Bà Trẻ có mặt, cũng với tay gỡ mấy cái hoa hình quạt hoặc như cánh bướm, mở ra thành tờ giấy bạc, cho mỗi đứa một cái.

Anh tôi một lần được Bà Trẻ cho một sợi dây chuyền vàng có gắn một cái móc bằng ngà voi. Không hiểu sao, một hôm anh ấy đem đổi sợi dây chuyền với một thằng bé nhà bên cạnh, lấy hai chiếc bánh xe bằng cao-su. Hai anh em thỉnh thoảng mỗi đứa ngồi một góc phòng trên gác, lăn qua lăn lại hai cái bánh xe, cũng vui.

Hình như lúc bấy giờ anh được vô ban nhi đồng trong phố tập đánh trống cà rà rình theo điệu xôn đố mì:

Đây thiên đường tổ quốc chúng ta,
Đây ruộng vườn quê hương ngàn đời...

(2020/06/19, 21:40)

Năm đầu vào Nam, gia đình tôi ở Đà Lạt. Trong nhà có cậu Nghị — em mẹ tôi, cùng với một người bạn lính thuộc Ngự Lâm Quân của cựu hoàng Bảo Đại, đến trọ một thời gian (1).

Buổi tối trong phòng ngủ, cậu tôi thường hút thuốc lá, thở ra những vòng khói xanh huyền ảo, và thích hát bài "Hướng Về Hà Nội".

Lớn lên một chút, thỉnh thoảng nghe bố mẹ nói chuyện với nhau, hoặc đọc văn của Thạch Lam, Nguyễn Đình Toàn... tôi mới biết thêm những tên đường kì lạ.

(2020/06/21, 14:27)

wikimedia.org/wikipedia/ 
Tháp Rùa

Tôi vụt thấy mình đứng sững nhìn Tháp Rùa trên nước lung linh.


(2020/06/30, 16:59)

Lúc vừa viết xong câu trên, cách đây 9 ngày, tôi nhớ rõ: đầu óc bỗng khựng lại, mấy ngón tay gõ phím đờ đẫn.

Một câu hỏi lóe lên: Tôi đang viết Cái gì đây? Để làm chi? Chẳng là rót thêm mấy giọt nước bẩn vào đầu người đọc?

***

Bạn đọc thân mến, xin cho phép gọi như thế, theo thể điệu của Baudelaire (Au Lecteur).

Hôm đó, tháng 7 mùa hè 2002, lần đầu tôi trở về thăm Hà Nội, — 48 năm sau ngày theo bố mẹ lên tàu vào Nam.

(2020/07/01, 02:01)

Tháp Rùa giống hệt như trong con tem hình Hồ Hoàn Kiếm tôi sưu tầm được những năm xưa. Những con tem rất quý, bóc ra từ những bao thư cậu Nghị để lại, khi cậu từ giã gia đình tôi ở Đà Lạt, lấy chuyến tàu cuối cùng về Bắc, tìm lại người vợ thân yêu (1).



(còn tiếp)



Chú thích

(2)































Sunday 13 December 2020

giàn hoa giấy

  

Lời dẫnXin phép các tác giả sách "Quách Tấn, Thiên Nhiên và Quê Hương" (Việt Nam, 2007) cho đăng lại trong blog này bài viết in trong sách, trang 302-303, trích từ hồi ký của Quách TấnBóng ngày qua, phần Đời văn chương.


bìa của họa sĩ Vĩnh Ấn 1965

Cây hoa giấy trong vườn tôi màu đỏ điều, gốc bằng bắp vế, tàn nằm trên giàn gỗ rộng, tỏa mát cả mảnh sân trước phòng ngủ của tôi. Nhờ giàn hoa, nắng trưa không chói vào nhà, nắng chiều không lọt vào nhà.

Hoa ra đầy nhánh. Mùa nắng thạnh hơn mùa mưa.

Cánh hoa mỏng như giấy, nên khi rụng bay theo gió chập chờn như bươm bướm mùa xuân. Nếu được chút hương nữa thì tuyệt.

Mùa hè tôi ngủ ngoài nhà dù, cạnh giàn hoa. Sáng thức dậy vừa cuốn mùng thì hoa bay vào đầy cả giường. Trên mặt drap trắng, sắc hoa làm nổi bật vẻ xuân. Tôi nằm yên nhìn hoa múa. Múa chán đua nhau chui vào lòng, tấp vào gối, bay lên mặt lên đầu... Không nỡ trở mình vì sợ làm "nát đời hoa". Đợi con Mộng Hoa (người con gái thứ sáu) con Trung Thu (thứ bảy) ra lượm tất cả ướp vào hộp của chúng rồi tôi mới trở dậy.

Mỗi tuần ít ra cũng một lần vui với hoa với con trong buổi sớm thức dậy.

Bên vườn láng giềng cũng có một bụi hoa giấy mọc nơi rào, sắc tím.

Màu tím của khóm hoa này không đượm đà như màu hoa sim. Màu tím lờn lợt như nước trái bàn chải, trông vô duyên như các me Tây già làm đỏm. Tôi không ưa nhìn mà cũng không thích để lẫn lộn vào hoa của tôi, cho nên hễ bên láng giềng bò qua nhánh nào là tôi chặt rụi nhánh nấy! Khi ghét thì lòng trở nên tàn nhẫn! bất công! Rồi một hôm, một đóa hoa tím ở bên láng giềng, rụng tận ngoài ngõ cũng bay trộn vào với hoa trong vườn, bay lên giường tôi.

photo 2020 dtk@huediepchi.com
Giữa đám đông hoa điều, tôi cảm thấy đóa hoa tím lẻ loi tội nghiệp quá! Không biết hoa sợ tôi hắt hủi hay thông cảm nỗi lòng tôi nên một khi bay lên giường tôi thì chui ngay vào lòng tôi, trước hết các chị em! Tôi cảm động, thật tình cảm động, ôm nhẹ đóa hoa vào lòng... 

Tôi hối hận đã ghét hoa tím một cách vô lý. 

Từ ấy tôi hết chặt hoa tím và cây hoa bên láng giềng bò sang bên vườn tôi, đỏ tím chen nhau trông lại càng đẹp mắt.


Quách Tấn

(trích Bóng ngày qua, phần Đời văn chương)


Ghi chú 

Để nhớ lại lần đến thăm nhà thi sĩ Quách Tấn (1910-1992), đường Bến Chợ, Nha Trang, năm 1996. Lần ấy, tôi được con trai nhà thơ là Quách Giao tặng cho một bản tập thơ Đọng bóng chiều, in lần thứ nhất 1965.

Cái tên chọn cho blog này — Bóng ngày qua, tôi mơ hồ không biết có phải đã chịu ảnh hưởng từ nhan đề tập Hồi ký của Quách Tấn hay không nữa. Tập hồi ký này, tôi nghe tên đã rất lâu, hơn 40 năm rồi, trên tạp chí Quê Mẹ, rao sẽ xuất bản, và tôi cứ chờ đợi từ ấy đến giờ. May mà tôi cũng đã được đọc một số bài trích tuyển. Nhớ nhung da diết, như muốn tìm về thời gian đã mất hoặc quê hương không còn nữa.






















Mưa trên phố Huế

  Chị TH, Ở Âu châu đã gần sang mùa đông, nhưng hoa cúc vàng còn đang nở rộ...  photo dtk 20xy Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu, Sắc mạnh huy ...