Wednesday 14 December 2022

Mưa trên phố Huế

 


Chị TH,

Ở Âu châu đã gần sang mùa đông, nhưng hoa cúc vàng còn đang nở rộ... 

photo dtk 20xy

Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu,
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên...
 


Chàng Xuân Diệu xưa viết hai câu thơ đẹp về hoa cúc, nhưng cũng đầy tham vọng quan sang.


Nhưng bây giờ là mùa xuân bên Úc, chị TH làm tôi bỗng nhớ Huế...


Em yêu xứ Huế ngày xưa,
Nhớ chùa Thiên Mụ nhớ hồ Tịnh Tâm.
Còn đâu những buổi mưa dầm,
Em cùng chúng bạn âm thầm gội mưa...
 (*)


Hôm đó, chúng tôi ở phi trường Phú Bài, đang đợi chuyến bay về Saigon. Bỗng người tài xế, cho chuyến du lịch mấy ngày qua, chạy đến đưa cho một CD có bài Mưa trên phố Huế. Có lẽ anh ấy vừa lùng khắp mấy tiệm bán dĩa nhạc trong thành phố Huế. Tôi hơi cảm động, vì hiểu anh ấy đã nghe lời tôi kể, trong lúc xe ra phi trường, tôi rất thích bài ca này, lần đầu nghe được trên thuyền bơi dạo sông Hương hôm trước.

Gửi chị TH và các bạn huediepchi@googlegroups.com 

mấy youtube nghe lại cho vui...













Chú thích

(*) Bài thơ này thuộc lòng từ thời tiểu học, hay đọc được trong báo trẻ em "Tuổi Xanh" (vào những năm 1960, 1961…), bây giờ tôi không nhớ rõ.




Phụ lục

Tác giả: Minh Kỳ & Tôn Nữ Thụy Khương
 

Ngâm thơ:

Ta nhớ ta thương... sông Hương, núi Ngự...
Mơ chốn yên bình, nhịp sống thanh tao
Ta vẫn ước ao, làm sao trở lại...
Dẫu Huế xa rời, ta mãi mến thương
Dẫu Huế u buồn, ta mãi nhớ thương...


Chiều nay mưa trên phố Huế
Kiếp giang hồ không bến đợi
Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài
cho lòng nhớ ai
Ngày chia tay hôm nao còn đây
Nước trên sông Hương còn đầy
Tình đã xa gió mưa u hoài
mắt lệ ngắn dài

Chiều nay trên Kinh Đô Huế
Tiếng mưa còn vương kỷ niệm
Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ
anh còn nhớ không?
Chợ Đông Ba khi mình qua
Lá me bay bay là đà
Chiều thiết tha có anh bên mình
mà ngỡ hôm qua

Hò...ơi...!!! Ơi...hò...!!!
Chiều mưa phố buồn
Chiều mưa phố xưa u buồn
có ai mong đợi
Một người biền biệt nơi mô
Để nhớ với thương một người

Chiều nay mưa trên phố Huế
Biết ai đã quên ai rồi
Mà mưa sao vẫn rơi rơi đều
cho lòng u hoài
Ngày xưa mưa rơi thì sao
Bây chừ nghe mưa lại buồn
Vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng
làm mình cô đơn. 



Tái bút
2016-10-16 06:08


Cám ơn bạn NĐT đã chép cho bài thơ Nguyễn Bính viết từ năm 1941 về mưa ở Huế.

Bài Giời mưa ở Huế của Nguyễn Bính

 
Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Thềm cũ nôn nao đàn kiến đói
Giời mờ ngao ngán một loài mây

Trường Tiền vắng ngắt người qua lại
Đập Đá mênh mang bến nước đầy
Đò vắng khách chơi nằm bát úp
Thu về lại giở gió heo may...

Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội
Bốn tháng hình như kém mấy ngày
Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh
Để rồi nằm mốc ở nơi đây

Thuốc lào hút mãi người ra khói
Thơ đọc suông tình hết cả hay
Túi rỗng nợ nần hơn Chúa Chổm
Áo quần trộm mướn, túng đồ thay

Hàng xóm có người con gái lẻ
Ý chừng duyên nợ với nhau đây
Chao ôi! Ba bốn tao ân ái
Đã đủ tan tành một kiếp trai.

Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ!
Đành phụ nhau thôi, kẻo đến ngày
Khăn gói gió đưa sang xứ lạ
Ai cười cho được lúc chia tay?

Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ?
Mà nhớ mà thương đến thế này!

Cố nhân chẳng khoá buồng xuân lại
Vung vãi ân tình khắp đó đây
Mưa chiều, nắng sớm, người ta bảo
Cả đến ông giời cũng đổi thay!
Gia đình dọn cả lên Hà Nội (1)
Buôn bán loanh quanh bỏ cấy cầy
"Anh em cánh nhạn người Nam Bắc
Tâm sự hồn quyên lệ ngắn dài..."

Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Hôm qua còn sót hơn đồng bạc
Hai đứa bàn nhau uống rượu say
Nón lá áo tơi ra quán chợ
Trơ vơ trên bến nước sông đầy
Sầu nghiêng mái quán mưa tong tả
Chén ứa men lành, lạnh ngón tay.
Ôn lại những ngày mưa gió cũ
Những chiều quán trọ những đêm say
Người quen nhắc lại từng tên một
Kể lại từng nơi đặt dấu giày
Trôi dạt dám mong gì vấn vít
Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây
Tỉ tê gợi nhớ niềm tâm sự
Cúi mặt soi gương chén rượu đầy
Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ
Đôi lòng hoà một vị chua cay
Đứa thương cha yếu thằng thương mẹ
Cha mẹ chiều chiều ...con nước mây
Hoa rao bán nhuỵ tình nên vợ
Chim nửa bình minh bóng trúc gầy.
Không hiểu vì đâu hai đứa lại
Chung lưng làm một chuyến đi đầy?
Giời mưa ở Huế sao buồn thế!
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày...
Mai đây bỏ Huế rồi quên Huế
Quên được làm sao bữa rượu này.



Huế 1941

(1) Có bản in là "Gia đình thiên cả lên thành thị".

Tái bút 2
2016-10-16 21:27

Tuy nhiên, thơ Nguyễn Bính trong bài này sao mà thảm thiết quá.
Hôm qua, nghe lại bài hát nhắc đến ở trên ("Mưa trên phố Huế"), tôi chợt nhận ra là mình đã nhớ sai.
Chính ra là bài "Huế xưa". Lời ca cũng buồn đứt ruột, nhưng vẫn còn chút hi vọng vào một ngày mai tươi sáng.
Xin cài ở đây một youtube tìm được trên Internet, để nghe và nhớ.




Tái bút 4
2022-02-01 00:01
Thêm lời bài ca

Sáng tác: 

Anh Bằng


Tôi có người em sông Hương núi Ngự,
Ϲủa lũу tre thôn Vĩ hiền từ,
Ϲủa kinh thành cổ xưa thật xưa.
Buổi trưa em che nón lá,
Ϲá sông hương liếc nhìn ngẩn ngơ,
Lũ chim quуên ngất ngâу từ xa.
Tôi sống độc thân trong căn phố nghèo,
Bởi trót thương nên nhớ thật nhiều,
Bởi em là hạnh phúc tình уêu.
Ở bên ni qua bên nớ,
Ϲách con sông chuуến đò chẳng xa,
Nhỏ sang thăm có tôi đợi chờ.

Huế ơi! không biết bâу chừ,
Tiếng ca nào vương bên mạn thuуền,
Ϲó ai chờ ai qua Trường Tiền,
Không biết bâу chừ,
Nữ sinh mang nón bài thơ,
Để trai xứ huế mộng mơ.
Huế ơi! ta nhớ muôn đời,
Bóng trăng hồ sen trong Hoàng Thành,
Tiếng chuông từng đêm Thiên Mụ buồn,
Ta nhớ muôn đời,
Người con gái Huế quá xinh,
Tóc mâу ngang lưng trữ tình.

Non nước thần kinh quê hương đất lành,
Là trái tim sông núi của mình,
Ϲả linh hồn của dân hùng anh.
Bởi đâu gâу nên nông nỗi,
Ϲánh chim baу giữa trời lẻ loi,
Nhỏ tôi уêu không bao giờ nguôi.
Tôi đã lạc em trong cơn biến động,
Để tháng năm hai đứa lạnh lùng,
Để đêm ngàу kẻ nhớ người mong.
Khổ đau cao như mâу tím
Phố năm xưa Huế buồn buồn thêm,
Nhỏ уêu ơi, biết đâu mà tìm?!


Tái bút 3 
2018-04-30

Hôm nay "tình cờ" nghe lại một bài về Huế, Hà Thanh hát, âm thanh tan nát cõi lòng, và những bóng hình xưa lũ lượt bay về...


Tuesday 15 November 2022

tưởng niệm trên đồi cao

 


Mộng ở đầu cây mơ lá cây
Dòng sông ngừng chảy đợi mây bay
Kêu nhau nhỏ nhẹ sầu năm ấy
Chim hải hồ bay trắng tháng ngày


Đó là mấy câu thơ Phạm Công Thiện đọc cho tôi nghe, — buổi tối hôm ấy, quây quần trong căn nhà bếp tòa soạn báo Quê Mẹ.

Phạm Công Thiện kể thêm, 4 câu thơ này, một cô hôtesse de l’air, hẳn là một người ái mộ thơ Phạm Công Thiện, đã đọc cho nghe, ở một phi trường hay trong một chuyến bay nào đó.


tranh Paul Klee
  

Trong bầu không khí đầm ấm chiều hôm ấy, căn bếp rộn rã tiếng cười, những câu chuyện không chủ đề, chuyện nọ xọ chuyện kia, cà kê dê ngỗng, cho tới những hoạt động nóng bỏng cứu cấp hàng triệu người Việt đang vượt biển Thái Bình Dương lánh nạn Cộng Sản…

«Và thế đó, mối sầu chan chứa đành nhường chỗ, rút lui khỏi cõi lòng, trước sức tấn công của cái cơn cười vui nhiệt hứng cuồn cuộn của một vài bộ óc tài hoa nổi bật, linh hoạt mãnh liệt vô song, cao nhã tuyệt vời đôi lúc, — những bộ óc tài-khí-chịu-chơi như thường gặp vào những thời đại canh tân cách mệnh, hoặc tàn phế suy đồi, và những cuộc bàn cãi ngửa nghiêng xiêu đình đổ quán của họ dấy lên tới mức rạch đôi sơn hà, nghiêng trời trí dũng nào, mà thỉnh thoảng vài đứa, thuộc loại e dè chúng tôi, phải chạy tới bên cửa sổ xem chừng ngoài kia có đầy sông kình ngạc, chật đường giáp binh… » (Gérard de Nerval, Souvenirs du Valois, Mùi hương xuân sắc, Bùi Giáng dịch).


Đó là lần thứ hai hay thứ ba tôi gặp Phạm Công Thiện ở đây. Trước đó vài năm, lần đầu tiên tôi đến thăm tòa báo Quê Mẹ, anh Thi Vũ kéo tôi lên phòng văn trên gác. Không hiểu sao, cuộc nói chuyện lại xoay quanh những kỷ niệm văn chương. Chúng tôi đọc to theo trí nhớ mấy câu trong bài «Hôm nay tôi đi học» trong tập đoản văn «Quê Mẹ» của Thanh Tịnh.  Bữa đó, tôi đọc lại 2 câu thơ của Phạm Công Thiện, lần đầu tiên gặp trong sách địa dư chí của Quách Tấn, «Xứ trầm hương», và tôi đã thuộc nằm lòng (01):


mưa chiều thứ bảy tôi về muộn

cây khế đồi cao trổ hết bông


Một lần họp mặt khác, tôi còn nhớ có cả Đặng Tiến. Hình như hôm đó, Phạm Công Thiện đọc cho nghe mấy câu thơ rất lạ mà tôi không hiểu ý là gì:


Thân anh như con chó

Đứng đợi giữa chợ chiều…


Mãi sau này tôi mới biết 3 người Thi Vũ, Đặng Tiến, Phạm Công Thiện là đều bạn cũ từ lâu. Và hiểu rõ nghĩa thật của mấy câu thơ trên.

Trong bài «Nhớ thương Phạm Công Thiện», Đặng Tiến kể lại như sau (02):

«Thiện với tôi, duyên nợ vẫn tiếp tục: tôi ra nước ngoài, làm ngoại giao tại Thụy Sĩ, khoảng 1967. Một hôm đi làm về thì thấy Thiện ôm ba lô ngồi trước cửa. Thiện ở chơi dăm ba hôm gì đó, thường uống rượu say, rồi vác ba lô lên đường. Vài ba năm sau, tôi gặp lại anh tại Paris. Anh tá túc tại nhà in của Thi Vũ, chơi thân với họa sĩ Vĩnh Ấn. Thiện sống lang bang vất vả, có đọc cho tôi nghe bài thơ về cảnh chợ trời Montreuil:


Thân anh như con chó

Đứng đợi giữa chợ chiều

Một chiều em qua đó

Con chó đứng nhìn theo.


(…) Thỉnh thoảng anh đến tìm tôi, chiều thứ hai sau giờ tôi dạy học để cùng đi uống bia tại công trường Contrescarpes, khu Censier, nhìn những con chim đến đậu trên giây thép hay những cành trụi lá. Có hôm anh hỏi xin tôi bao thuốc lá. Tôi bảo «vậy tao mua cho mày cả tút» (cartouche). Thiện trả lời «vậy mày đưa tiền ấy cho tao mua sữa cho con». Thời điểm này anh vợ con nheo nhóc, không giới hạn sinh đẻ vì theo… quy luật thiên nhiên.»


Có một buổi họp mặt khác mà tôi vẫn nhớ như tối hôm qua. 

Những người có mặt hôm đó là: Đoàn Đức Nhân, Thi Vũ, Lê Mộng Nguyên (07), Phạm Công Thiện và vài ba người khác nữa. Đặc biệt, Thi Vũ mời được ca sĩ Hoàng Oanh, đảm nhiệm ngâm thơ. Tối hôm đó, Hoàng Oanh ngâm bài «Kẻ lạ» (05) của Thi Vũ, và một bài của Phạm Công Thiện:


mười năm qua gió thổi đồi tây

tôi long đong theo bóng chim gầy

một sớm em về ru giấc ngủ

bông trời bay trắng cả rừng cây


gió thổi đồi tây hay đồi đông

hiu hắt quê hương bến cỏ hồng

trong mơ em vẫn còn bên cửa

tôi đứng trên đồi mây trổ bông


gió thổi đồi thu qua đồi thông

mưa hạ ly hương nước ngược dòng

tôi đau trong tiếng gà xơ xác

một sớm bông hồng nở cửa đông


Tôi bắt đầu đọc sách Phạm Công Thiện vào năm 1967. Lúc đó bị lôi cuốn mãnh liệt khi đọc mấy lời nhắn nhủ gửi một người trẻ tuổi, trong cuốn sách mỏng "Nói với tuổi hai mươi" của Nhất Hạnh (03). Người trẻ tuổi ấy chính là Phạm Công Thiện. Trong một lần gặp mặt ở tòa báo Quê Mẹ (1984), Phạm Công Thiện đã xác nhận điều đó và kể cho chúng tôi nghe thêm ít nhiều chi tiết trước sau, chung quanh về cuốn sách đó của Thiền sư Nhất Hạnh…

Hồi đó (1967) tôi tìm đọc hết những tác phẩm của Phạm Công Thiện mới xuất bản (Trời tháng tư, Hố Thẳm Tư Tưởng, Im lặng Hố Thẳm…), và nghe tên Phạm Công Thiện nổi tiếng như cồn. Tập thơ «Ngày sinh của rắn», tôi đọc lời rao xuất bản trong một tạp chí văn nghệ đâu đó, nhưng không tìm thấy bán ở Sài Gòn (04).

Cuối năm sau (1968) tôi sang Pháp du học. Bên nhà tiếp tục gửi cho tôi thêm vài cuốn nữa của Phạm Công Thiện (Bay đi những cơn mưa phùn, Tôi là ai, Henry Miller, Tự do đầu tiên và cuối cùng…).

Đời sống học hành, yêu đương, du lịch lang thang, công việc làm ăn… cuốn đi như mộng…

Bẵng đi nhiều năm sau những cuộc gặp gỡ nói trên (trước sau 1984), tôi nghe tin Phạm Công Thiện sang Mỹ.

Hình như trong một dịp tôi sang Mỹ thăm em tôi ở Houston, tôi mua được một hai cuốn sách Phạm Công Thiện xuất bản. Nhưng bỏ trong đống sách, bao nhiêu năm không đọc tới.

Đùng một hôm, từ hơn một năm nay (2020-2021), trong cơn đại dịch lan tràn thế giới, trong một tâm tư riêng biệt, tôi bắt tay vào việc đọc lại toàn bộ 3254 câu thơ truyện Kiều, thẳng vào những văn bản bản chữ nôm cổ, đối chiếu với chữ quốc ngữ, đồng thời soát lại toàn thể những chú giải của những nhà khảo cứu truyện Kiều từ xưa tới bây giờ (Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim, Tản Đà, Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Hòe, Đào Duy Anh, v.v.).

Rồi tình cờ, thấy lọt ra từ đống sách cũ lâu năm chưa đọc tới, 2 cuốn sách của Phạm Công Thiện: «đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất» (1988) và «Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc» (1996).

Cuốn thứ nhất, tôi nhâm nhi cả tháng nay chưa hết, hôm nay còn đánh dấu ở trang 193 trên gần 350 trang cuốn sách. Đọc đâu đó câu «anh thì lúc nào cũng thế», thấy đúng là Phạm Công Thiện. Cuốn sách này kể rất trung thực tâm tư những tháng ngày lãng đãng của Phạm Công Thiện ở Garden Grove  (California, USA). Bao nhiêu tơ tưởng triết lý văn chương kỷ niệm tuối thơ tràn về như sóng vỗ… «kỷ niệm xưa về trong khói cao, nhớ nhung ướt đầy chăn gối».

Riêng quyển viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều, lúc mới đọc tôi hơi ngán ngẫm vì lối viết văn khệnh khạng học giả giáo khoa (đúng như tâm trạng hồi xưa học Truyện Kiều ở nhà trường, ngán như ăn cơm nếp nát). Nhưng kiên nhẫn đọc thêm, vì lý do «nghề nghiệp», — tôi đang làm việc chú giải Truyện Kiều —, tôi bỗng khám phá ra rằng Phạm Công Thiện đã nghiên cứu Truyện Kiều hết sức công phu, đã đọc kĩ lưỡng từng câu từng chữ tập thơ và những thi phẩm khác của Nguyễn Du. Phạm Công Thiện đọc tất cả những sách khảo cứu truyện Kiều từ xưa tới nay (Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim, Tản Đà, Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Hòe, Đào Duy Anh, v.v.), rồi so sánh phân tích nhiều bản dịch truyện Kiều sang tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tàu.

Cuốn sách này đưa tôi trở về văn bản của Nguyễn Du, cân nhắc cách đọc âm từng chữ nôm sang chữ quốc ngữ, xét lại từng chú giải mà mình đã viết…

Rồi giật mình đọc lại những chữ, những câu, nhiều khi rất nhỏ nhặt không để ý,  — bây giờ chuyển sang một bình diện khác, một bình diện khác nữa, không ngờ (06).

Nhớ tới Phạm Công Thiện là nhớ tới 2 câu thơ anh làm khi mới ngoài 20 tuổi, trên đồi chùa Hải Đức Xứ Trầm Hương:


mưa chiều thứ bảy tôi về muộn

cây khế đồi cao trổ hết bông




Đặng Thế Kiệt

2022-01-29 (cuối năm Tân Sửu)




chú thích


(01) Quách Tấn «Xứ trầm hương» (1969):

Phạm Công Thiện, lúc còn tu tại Phật Học Viện (1962-1964), sáng tác được nhiều giai phẩm, trong đó có câu:

mưa chiều thứ bảy tôi về muộn

cây khế đồi cao trổ hết bông

(…)

Quách Tấn ghi thêm trong đoạn viết về chùa Hải Đức ở Nha Trang: «Trong Mộng Ngân Sơn (có bài) «Lịu Địu» gởi Phạm Công Thiện:

Áo giũ ngày sương gió

Lên chùa thăm cố nhân

Non nghiêng chiều nắng xế

Lịu địu bóng nhàn vân.

«… biết đâu chùa Hải Đức lại không trở thành nơi hòa hợp đạo lý và văn chương, nơi trồng tỉa dị thảo kỳ ba để phong phú cho vườn văn hóa dân tộc.» (trang 279-280)

(02) Đặng Tiến «Nhớ thương Phạm Công Thiện»:

Thiện với tôi, duyên nợ vẫn tiếp tục: tôi ra nước ngoài, làm ngoại giao tại Thụy Sĩ, khoảng 1967. Một hôm đi làm về thì thấy Thiện ôm ba lô ngồi trước cửa. Thiện ở chơi dăm ba hôm gì đó, thường uống rượu say, rồi vác ba lô lên đường. Vài ba năm sau, tôi gặp lại anh tại Paris. Anh tá túc tại nhà in của Thi Vũ, chơi thân với họa sĩ Vĩnh Ấn. Thiện sống lang bang vất vả, có đọc cho tôi nghe bài thơ về cảnh chợ trời Montreuil :

Thân anh như con chó

Đứng đợi giữa chợ chiều

Một chiều em qua đó

Con chó đứng nhìn theo.

Dường như thời đó, anh sống nhờ vào giúp đỡ của nhà văn Henry Miller gửi từ California.

Sau đó cưới vợ, sang Đức, rồi trở lại Paris. Thỉnh thoảng anh đến tìm tôi, chiều thứ hai sau giờ tôi dạy học để cùng đi uống bia tại công trường Contrescarpes, khu Censier, nhìn những con chim đến đậu trên giây thép hay những cành trụi lá. Có hôm anh hỏi xin tôi bao thuốc lá. Tôi bảo «vậy tao mua cho mày cả tút» (cartouche). Thiện trả lời «vậy mày đưa tiền ấy cho tao mua sữa cho con». Thời điểm này anh vợ con nheo nhóc, không giới hạn sinh đẻ vì theo… quy luật thiên nhiên.

Tình hình cải thiện khi anh tìm được chỗ dạy học tại Đại Học Toulouse, môn Triết học… Tây Phương.

Sau đó, khoảng mười năm không tin tức, cho đến ngày anh lại tìm tôi tại Paris tặng cuốn kỷ yếu song ngữ Việt-Pháp có nhiều hình minh họa đẹp.

(03) Đặng Thế Kiệt «bóng ngày qua» http://bong-ngay-qua.blogspot.com/2016/07/ca-chet.html:

Năm ấy, chưa đầy 17 tuổi, tôi đang học thi Tú Tài phần Một ở Sài Gòn. Chiến tranh Việt Nam bắt đầu càng ngày càng khốc liệt. Anh tôi nghỉ phép quân đội về thành, đem tặng tôi cuốn sách mỏng nhan đề "Nói với tuổi hai mươi" của tác giả Nhất Hạnh mà tôi chưa nghe đến bao giờ. Tôi hiểu ý anh tôi dùng món quà thay lời khuyên nhủ đứa em trai. Giản dị lắm, đại khái muốn bảo tôi hãy cố gắng học giỏi thi đậu và chưa phải đi lính ngoài tiền tuyến như anh ấy bấy giờ. Nhưng khi đọc cuốn sách, mặc dù lời văn rất trong sáng ngọt ngào, tôi lại bị lôi cuốn mãnh liệt vì một lá thư của một người tuổi trẻ ngang tàng, cũng chính là đối tượng của cuốn sách kia. Nhất là mấy câu viết này (ghi lại theo trí nhớ): "Chúng tôi không cần tới các ông nữa. Chúng tôi tự gánh lấy trách nhiệm của mình trên những đôi vai yếu đuối..." Không còn nhớ trong hoàn cảnh nào, tôi vùng ra tiệm sách Khai Trí đường Lê Lợi mua về đọc ngấu nghiến bộ sách dày cộm "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học" của Phạm Công Thiện.

(04) Tập thơ Ngày Sinh Của Rắn của Phạm Công Thiện do Thi Vũ trình bày và Nhà xuất bản, Hoa Nắng in lần thứ nhất ở Paris, 1966.

(05) Thi Vũ

KẺ  LẠ

Ngày dài đêm cũng dài,  vì ta sống trong hiu quạnh và cô đơn.  

Bỗng chiều nay kẻ lạ đến gõ cửa.  

Lòng xôn xao chan chứa mừng vui đón kẻ lạ từ xa.   

Một kẻ lạ mà ta đã từng quen biết.  

Ta đón mời với tất cả nhiệt tình.  Như kẻ hành hương thấy dáng thánh đường.

Tựa người lữ thứ trở lại quê hương.  Như nước nguồn về biển cả.

Mời kẻ lạ chén nước trà và nói năng vồn vã bao nhiêu điều chất chứa từ lâu với kẻ lạ đến từ xa

Chốc chốc giờ reo, đều như nhịp chèo xuôi sông.  Kẻ lạ nhếch môi cười rồi ra đi,  một nơi nào rất xa.

Ngày dài đêm cũng dài, vì ta sống trong hiu quạnh và cô đơn.  Vì kẻ lạ đã đi rồi, một nơi nào rất xa.

Thi Vũ

Trich tập thơ Hoa Nắng, An Tiêm xuất bản, Sài Gòn 1970

http://www.gio-o.com


(06) Đặng Thế Kiệt, «Giúp đọc Truyện Kiều»

http://vietnamtudien.org/TruyenKieu/

(07) Lê Mộng Nguyên: «người hẹn cùng ta» 

http://bong-ngay-qua.blogspot.com/2017/02/nguoi-hen-cung-ta_11.html












Mưa trên phố Huế

  Chị TH, Ở Âu châu đã gần sang mùa đông, nhưng hoa cúc vàng còn đang nở rộ...  photo dtk 20xy Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu, Sắc mạnh huy ...