Sunday 31 May 2020

trí khôn nhân tạo



Hôm nọ, viết trang blog về big data, tôi đã tò mò tìm xem "artificial intelligence", trong tiếng Việt bây giờ gọi làm sao. 

Anh bạn HA@huediepchi.com mới nhắc là "trí tuệ nhân tạo" (1). 
Người Tàu dịch là: "nhân công trí năng 人工智能" (2).

Ờ, ờ... đứng riêng về mặt ngôn ngữ, dịch "intelligence" thành "trí tuệ", "trí năng", ..., thì cũng chẳng có gì phải nói.

Tuy nhiên, cứ nhớ tới những câu "đao to búa lớn" nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa nhai nhải từ mấy chục năm nay, theo kiểu "đỉnh cao trí tuệ" chẳng hạn, lại chỉ muốn văng tục!


Cách đây ba chục năm, kĩ thuật "artificial intelligence" còn ở thời kì phôi thai, nhân đang tập viết lí trình (software, logiciel) bằng ngôn ngữ điện toán mới ra đời lúc đó, chuyên về "artificial intelligence" (ngôn ngữ Prolog của trường Đại Học Edinburgh) và đúng khi vừa đọc qua một truyện cổ tích Việt Nam (trong bộ "Raconte-moi des histoires" dành cho học sinh tiểu học) (4) (5), tôi mới nảy ra ý đề nghị dịch "artificial intelligence" là "túi khôn nhân tạo".

Truyện kể đại khái về nguồn gốc tại sao con cọp lại có vằn đen trên lưng vàng. Xin tóm lược như sau:

Một hôm, ngài chúa sơn lâm, đi ra ngoài rừng, mon men đến một bờ ruộng. Cọp lại gần một con trâu đang nằm nghỉ trưa, miệng ngẫm nghĩ nhai lại bữa ăn chưa tiêu hóa xong:
— Này bác trâu, trông bác to lớn bệ vệ thế, mà sao lại chịu cho cái thằng người nhà quê bé choắt sai bảo làm lụng cực nhọc như vậy?
Con trâu nuốt vô bụng mớ cỏ đã nhuyễn, vừa cười vừa chậm rãi trả lời cọp:
— Hì hì, vâng, bác nói phải lắm. Có điều thằng người bé con như thế, nhưng nó có cái Khôn, bác ạ!
— Cái khôn gì, khôn liềng vậy hả?
— Vâng, cái Khôn của hắn lợi hại lắm. Chẳng riêng gì tôi, mà các loài vật khác, đều chịu lép một bề cả.
Cọp ta lấy làm lạ, bèn bảo trâu về xin với chủ nó cho gặp mặt cọp hôm sau. Cọp thầm nghĩ rằng sẽ tìm cách lấy cho bằng được cái Khôn gì đó của người nhà quê.
Hôm sau, cọp đợi sẵn bác nông phu bên bờ ruộng. Lúc người nhà quê vừa bước tới, cọp đã vội vàng lên tiếng:
— Này ông làm ruộng, ông có thể cho tôi xin một chút "cái khôn gì đó" hay không?
Người nhà quê trả lời:
— Ồ, có gì đâu. Chỉ là tôi không có sẵn đây, chứ nào tôi có tiếc gì với bác Hổ.
— Làm sao bây giờ?
Người nông phu mới nói:
— Vâng, tôi sẵn sàng về nhà lấy túi Khôn chia lại cho bác. Nhưng chỉ e bác ở đây ăn thịt con trâu của tôi, thì tôi còn gì làm ăn sinh sống nữa?
Con cọp mừng quá, nói:
— Ồ, không sao đâu. Bác cứ buộc tôi vào gốc cây kia. Tôi đợi ở đấy, không thèm ăn thịt con trâu của bác đâu mà sợ.
Người nhà quê liền mở ra một cuộn dây thừng, trói chặt con hổ vào gốc cây, xong xuôi mới nói:
— Hà hà. Cái túi khôn của tôi đây.
Bác nông phu nắm một bó rơm, dí vào mình cọp châm lửa đốt cháy từ đầu tới đuôi.
Thương thay, con cọp bị nóng bỏng, gầm thét vang dội cả khu rừng. Sau cùng, nó vùng lên, bứt đứt hết cả cuộn thừng còn cháy dở, chạy một mạch vô rừng thẳm.
Con trâu xem cảnh tượng hổ ta khốn khổ như vậy, bò lăn ra đất mà cười, đến nỗi đập mũi vào một khối đá lớn, bẹp dí cái mũi, như người ta còn thấy dấu vết cho tới ngày nay.
https://chantecler18.wordpress.com/2013/05/29/le-buffle-le-tigre-et-lintelligence/
Riêng cọp ta, bị một trận kinh hồn lạc phách, toàn thân cháy xém. Đấy là nguyên do tại sao ngày nay, con hổ vẫn còn mang vằn đen trên mình vàng. Vằn đen là vết tích của cuộn thừng cháy dở đấy các bạn ạ.

Nhân đọc truyện cổ tích này, tôi thấy hai chữ "túi khôn" rất hợp với ý "artificial intelligence" ngày nay. Tục ngữ Việt Nam còn có câu "đi một ngày đàng học một sàng khôn". "Túi khôn" và "sàng khôn", ý nghĩa tương đương. Tuy nhiên, hôm nay nghĩ lại, thấy cái "túi" có vẻ mộc mạc vật chất quá, đổi là "trí khôn nhân tạo" có lẽ hay hơn.

Trong cuốn sách "21 bài học cho thế kỉ XXI" (6), nhà tư tưởng Yuval Noah Harari cho rằng tương lai loài người trong vũ trụ ngày càng chịu sự khống chế hoàn toàn của kĩ thuật sinh học và kĩ thuật tin học (tiếng Pháp: biotech, infotech).

Mà "artificial intelligence" là gì, nếu không phải là sự ứng dụng kĩ thuật điện toán viết quy tính (tiếng Pháp: algorithme)  kết hợp với khả năng tích trữ các dữ kiện khổng lồ (big data), càng ngày càng hiệu quả.

Trong khi đó, "đỉnh cao trí tuệ" là cái củ chi, mà nhân dân vẫn mãi sống trong vòng ngu tối, mất hết tự do, chẳng biết gì tới dân chủ, kinh tế thụt lùi, giáo dục đổ vỡ tan hoang?




Chú thích
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trí_tuệ_nhân_tạo
(2) https://zh.wikipedia.org/wiki/人工智能
(3) https://ja.wikipedia.org/wiki/人工知能
(4) https://chantecler18.wordpress.com/2013/05/29/le-buffle-le-tigre-et-lintelligence/
(5) https://m.youtube.com/watch?v=IKppEEXIo4M
(6) 21 Lessons for the 21st Century, Yuval Noah Harari.



đàn bướm tung bay




Mẹ tôi buôn thúng bán bưng ít khi có dịp mặc áo dài. Một lần mẹ mặc chiếc áo dài cố hữu màu cánh gián may bằng lụa nội hóa dẫn tôi đi đến nhà một ông quen lớn để chạy chọt cho anh tôi đang ở quân trường khỏi bị đưa ra tiền tuyến. Mẹ con mỗi người ôm khư khư một gói trái cây quý nhập cảng từ bên Pháp. Dưới khí hậu nhiệt đới, những quả táo, quả nho tỏa hương thơm phức. Tôi bốc dòng máu nóng thiếu niên bồng bột nói với mẹ: "Có sức chơi sức chịu. Đi lính thì ra chiến trường. Tại sao phải cầu cạnh?!" Mẹ tôi không trả lời. Dưới ánh đèn tranh tối tranh sáng, bên chiếc bàn làm việc, vị giáo sư trẻ tuổi cười cười từ chối lấy lệ món quà. Ít tháng sau, mẹ tôi lại mặc chiếc áo dài cũ đó đưa tôi đi đón xe đò Saigon-Bình Dương. Chiếc xe cũ kĩ, chật ních, còn dư một chỗ ngồi cho mẹ, còn tôi nửa đứng nửa ngồi. Đó là một ngày đầu năm âm lịch, mẹ con đưa nhau đi thăm anh tôi thuộc Sư đoàn 5 bộ binh Vùng 3 chiến thuật. Quốc lộ 13 nắng rát, ngoằn ngoèo như thân rắn. Ruộng đồng hai bên khô cằn, nứt nẻ, trơ gốc rạ. Dấu vết làng mạc là nhưng túp lều tranh ở cuối xa xa. Màu vàng ruộng đồng bây giờ là màu lửa cháy xém chứ không phải là màu lúa chín mênh mông. Và những ngôi làng thiếu những bụi tre um tùm bao bọc. Dọc đường thỉnh thoảng gặp những căn nhà nửa tỉnh nửa quê chổng chơ chợ chiều. Lác đác tiếng nổ lẹt đẹt do những người lính Dân-vệ áo đen chĩa súng lên trời bắn pháo mừng xuân. Tấm lòng niên thiếu giữa thời chiến loạn bỗng nhiên hoang vắng lạ thường. Một lần thấy mẹ vui với chiếc áo dài Việt Nam, đó là lần đi lễ Nguyên Đán xin xâm ở Lăng Ông Gia Định. Không khí tràn ngập khói hương. Những tà áo màu ẩn hiện đâu đây. Không biết hôm đó bói được quẻ gì, mẹ tôi hân hoan ra về, tay cầm lộc mới. Sau này sang Pháp, ở một tỉnh nhỏ. Đại học quốc tế mời sinh viên Việt Nam tham dự dạ hội mừng xuân. Đa số các sinh viên người mình không có tài văn nghệ. Nhiều người đề nghị cho các cô các cậu mặc áo bà ba đen hát hò dô ta. "Như kiểu Mặt Trận Giải Phóng Min Nam ấy à?!", tôi nghĩ. Yếu thế vì không biết đàn hát là gì, tôi vẫn lớn tiếng chống đối: "Mấy người múa hát lè phè. Thế giới kinh tởm chiến tranh rồi. Đem màu đen chết chóc ra trình diễn chỉ tổ cho người ta chán ngấy. Hãy cho các cô mặc áo dài. Múa có dở nhưng thấy áo dài đẹp, quốc tế họ cũng thích rồi!" Đêm trình diễn, các sinh viên da đen làm lễ tế thần, tiếng trống bập bùng như tiếng gọi của Phi Châu nguyên thủy. Các sinh viên Cam-Bốt mời được đoàn vũ công chuyên nghiệp từ Paris xuống biểu diễn màn múa dừa khô vô cùng ngoạn mục. Đến lượt các cô Việt Nam, chưa ai từng biết múa, vừa tập dượt vội vã được mấy ngày, từ trong hậu trường sân khấu nhịp nhàng bước ra. Hai cậu sinh viên từ hai bên hông khán giả bắt đầu quay ống đèn màu. Tiếng hát hòa mình với điệu múa nón bài thơ. Những bước chân còn vụng dại, nhưng không ai để ý, vì những chiếc áo dài thướt tha uyển chuyển như một đàn bướm tung bay... 
image Internet
"Trời Xuân em che nón lá, nắng hanh lên hồng đôi má..." Các cô vừa lui bước trước khi màn hạ, những tràng pháo tay đã nổ ra ròn rã. Má cô nào cũng đỏ hây hây. Vì mệt hay vì sung sướng?



Belfort-Paris, 28.02.1985















người hẹn cùng ta




Mấy hôm nay, trên diễn đàn @huediepchi, các bạn bàn nhiều về Đà Lạt, lại biết  tin chị md@hdc bệnh (do ô nhiễm ở Saigon thì phải), rồi nghe chị kể chuyện âm binh, làm tôi nhớ lại nhiều kỉ niệm xưa, đến nỗi đêm qua nằm mơ, một cơn ác mộng, giật mình thức giấc, lúc ba giờ sáng, trống ngực còn đập thình thình.

Tôi thấy tôi đang ở Đà Lạt, bị công an tịch thu hộ chiếu, dẫn đi trong mấy hành lang âm u như địa ngục. Chợt một lúc gặp đúng cậu Nghị (em trai mẹ tôi) đi ngang qua đó. Cậu hình như là một sĩ quan cao cấp, dõng dạc ra lệnh cho thả tôi ra lập tức, cùng một người khác bị bắt như tôi. Tôi nghe hô rất rõ tên người ấy, nhưng bây giờ quên mất rồi. Lúc hai người đứng đợi thủ tục giấy tờ, thì tôi giật mình thức giấc, trống ngực còn đập thình thình.

Cậu Nghị tôi đến ở trọ nhà bố mẹ tôi ở Đà Lạt ngay sau ít ngày gia đình tôi rời Hà Nội vào Nam (1954). Cậu tôi hồi đó là lính trong Ngự Lâm Quân của cựu hoàng Bảo Đại, đóng trại ở gần dinh vua, nếu tôi nhớ không lầm. Mỗi đêm, tôi thường nghe cậu hút thuốc lá trong phòng, thở ra những vòng khói xanh huyền ảo, cùng với người bạn lính, hay hát "Hà Nội ơi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi...", hoặc bài Trăng mờ bên suối của Lê Mộng Nguyên. Tôi cũng chứng kiến ngày cậu quyết định lấy chuyến tàu cuối cùng trở về Hà Nội, tìm lại người vợ của mình.

Thời gian ngắn cùng ở với cậu Nghị ở Đà Lạt, anh tôi và tôi thường được dẫn đi xem ciné, ra tiệm ăn chè sen, hoặc đi về nhà theo những con đường dốc, dưới ánh trăng mờ. Thỉnh thoảng, cậu ấy hỏi vọng lại về phía sau: "Hết chưa?" Thế là tôi lại được phát cho một thỏi chocolat thơm phức.

Hôm đó, mẹ tôi chuẩn bị ballot cho cậu đi lấy chuyến tàu cuối cùng về Bắc. Tôi còn nhớ rõ khúc bánh mì dài nhét đầy lạp xưởng mà mẹ tôi xếp vào trong nải.

Sau đó ít lâu, gia đình tôi bỏ Đà Lạt xuống Saigon. Hồi đó, tôi đang say mê sưu tầm tem quý, tìm thấy trong tủ giấy tờ của mẹ một hộp những lá thư màu xanh, dán đầy những con tem rất hiếm: Hồ Hoàn Kiếm, lăng tẩm Huế, Bảo Đại, Bảo Long, Nam Phương hoàng hậu... Dĩ nhiên là tôi đem bóc sạch những con tem đó, nhân tiện ngồi nhẩn nha đọc những bức thư mà tôi thấy nhạt như nước ốc, toàn những câu như là: Anh ơi, chúng mình không được gần nhau....

Cho đến ngày tôi sang Pháp và mãi tới sau 1975, tôi không có tin tức gì về người cậu. Rồi sau này, vào khoảng 1985, gặp lại người em vượt biển sang Mỹ, đến thăm tôi. Em cho biết, vài năm sau biến cố tháng Tư, cậu Nghị có vào Saigon, đem theo một túi gạo chừng 3 kí-lô biếu gia đình chị. Mẹ tôi nhận món quà của cậu và nói riêng với em tôi: "Hóa ra dân miền Bắc còn đói khổ hơn miền Nam từ bao năm rồi!". Vài năm sau đó, em tôi đi Hà Nội theo lời yêu cầu của mẹ, đến phố Tràng Thi — nơi có căn nhà của ông ngoại (làm nhà nhiếp ảnh ngày xưa) để lại, để tìm cậu Nghị. Khi em vào đến căn nhà, lúc đó đã bị chia năm xẻ bảy cho nhiều gia đình, bước lên thang lầu ọp ẹp, thấy ngay một cặp cụ già tóc bạc phơ, giương mắt nhìn em trừng trừng một lúc, rồi bật khóc oà. Ấy là vợ chồng cậu Nghị em tôi gặp lại ở Hà Nội vào khoảng 1975-1980. Hai người đã mất vào khoảng năm 2000.

Không biết có phải mấy câu viết trong mail (Thu, Feb 9, 2017 at 6:49 AM) của chị md@hdc kể mà tôi xúc động nhớ kỉ niệm xưa: "Bạn md@hdc tu trên núi, vẫn phải nộp quà cáp cho âm binh. Sáng này md@hdc ra chợ mua thực phẩm thấy mấy cái xe ra dẹp đường. Thấy họ hốt được một cái xe bán hàng rong, một cái ghế dài, một mớ rau cải, vài thanh tre. Cả một tiểu đội người đi dẹp chợ. Thấy thương cho gia đình người bán hàng rong mất đi phương tiện kinh doanh."


Phụ lục



Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi áo màu tung gió chơi vơi
Hà Nội ơi, phố phường dài ánh trăng mơ
Liễu mềm nhủ gió ngây thơ thấu chăng lòng khách bơ vơ

Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi,
Biết người có nhớ nhung chi,
Hết rồi giây phút phân ly
Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê,
Tóc thề thả gió lê thê
Biết đâu ngày ấy anh về

Một ngày mùa chinh chiến ấy,
Chim đã xa bầy mịt mờ bên trời bay
Một ngày tả tơi hoa lá,
ngóng trông về xa ... luyến thương hình bóng qua.

Hà Nội ơi, nước hồ là ánh gương soi,
Nắng hè tô thắm lên môi, thanh bình tiếng guốc reo vui
Hà Nội ơi, kiếp người muôn hướng buông trôi
Nhớ về người những đêm rơi
Nhắn theo ngàn cánh chim trời.

Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xưa,
Mắt buồn dâng những đêm mưa,
Não nùng mây gió đong đưa

Hà Nội ơi, nỗi lòng gởi gấm cho nhau,
nhớ hoài chỉ biết thương đau,
đắm say chờ những kiếp sau.

Hà Nội ơi, những ngày thơ ấu trôi qua,
mái trường phượng vĩ dâng hoa
nắng chiều ủ bóng tiên nga.

Hà Nội ơi, mắt huyền ngây ngất đê mê,
tóc thề thả gió lê thê, hãy tin ngày ấy anh về.

Một ngày tàn hương chinh chiến,
lửa khói lắng chìm, tìm về nơi bờ bến
Một ngày hồng tươi hoa lá
Hát câu tình ca nói lên lời thiết tha

Hà Nội ơi, biết người còn có trông mong,
Hướng về ai lỡ hay không những ngày xa vắng bên sông.

Hà Nội ơi, những chiều sương gió dâng khơi
Có người lặng ngắm mây trôi,
Biết bao là nhớ tơi bời ... 




phố Tràng Thi 
photo https://36hn.wordpress.com/2016/05/17/pho-trang-thi-xua/












con ngỗng




Con ngỗng ấy, hai đứa con anh chị Thông đặt tên là Tokata. Cái tên Tokata hình như là tên một con ngỗng nổi tiếng trong bộ phim hoạt họa dành cho trẻ em trên đài truyền hình lúc bấy giờ.

Hôm ấy, anh chị Thông bàn với vợ chồng tôi, phải lấy quyết định về việc con ngỗng này. Ai cũng thương nó lắm, nhất là đám trẻ con bốn đứa của hai gia đình. Nhưng con ngỗng đã lớn quá rồi, biết đem đi đâu, đành phải làm thịt chứ sao bây giờ.

Anh Thông chủ nhà, lại có phần dạn tay, lãnh nhiệm vụ cắt tiết, còn tôi phụ giữ cánh ngỗng.  Thế là hai người lặng lẽ ra vườn bắt con ngỗng đem vô nhà để xe, nhân lúc mấy đứa trẻ con đang chơi đùa chỗ khác.

tranh: nguồn Internet

Vụt hai kỉ niệm thời thơ ấu bay về trong trí nhớ. Một lần cha tôi sửa soạn làm tiết canh vịt. Ngâm con vịt vô thau nước nóng (cho dễ lột lông), lúc cha tôi vừa cứa cổ nó, thì vuột tay, nó vùng lên chạy vụt ra đường, kêu oác oác inh ỏi cả xóm. Mấy người phải đuổi theo, rất khó khăn mới chụp được bắt nó về nhà. Một lần khác, anh tôi được giao cho phận sự cắt cổ một con vịt khác. Tôi bị chỉ định cầm cánh vịt. Anh tôi còn hơi vụng về, cứa tới cứa lui. Còn tôi hai tay ghì chặt hai cánh con vịt. Một hồi lâu, lúc buông tay ra, thì cổ vịt chưa đứt, nhưng nó nằm đơ ra — vì ngạt thở.


Anh Thông và tôi hì hục một lúc, rồi cũng xong. Tôi nhớ tối hôm đó, được ăn một bữa cháo ngỗng thiệt là ngon. Sau đó nhiều tuần, anh Thông còn kể họ đem thịt ngỗng làm dồi, làm chả... ăn mấy bữa chưa hết.

Tại sao hôm nay tôi lại nhớ lại chuyện giết vịt và ngỗng này?

Số là từ tối hôm qua, tôi duyệt đọc Phật Quang Đại Từ Điển, tới mục từ "nga châu" (con ngỗng nuốt hạt châu), rồi cả đêm suy nghĩ miên man cho đến sáng, vừa mới kiểm lại xong hai cột văn Hán Việt đối chiếu, từng chữ một. Từ hơn một năm nay, chăm chỉ dò lại từng trang bộ từ điển, mỗi lần vẫn cứ ngạc nhiên về công phu dịch thuật của Hòa thượng Thích Quảng Độ. Nhưng hôm nay, là chuyện khác.

Trích lại dưới đây nguyên bản dịch mục từ nga châu [鵝珠]  (con ngỗng nuốt hạt châu):

    Cứ theo Đại Trang Nghiêm Kinh Luận quyển 11, xưa kia, có một vị tỉ khưu khất thực đến trước nhà người thợ xâu ngọc, lúc đó người thợ đang xâu ngọc ma-ni cho nhà vua, thấy vị tỉ khưu đến, người thợ liền để viên ngọc xuống và vào nhà lấy thức ăn cúng dường. Khi ấy, có một con ngỗng đến nuốt mất viên ngọc, lúc người thợ trở ra không thấy viên ngọc liền ngờ và tra hỏi vị tỉ khưu; vị tỉ khưu tự nghĩ: “Nếu mình nói thật thì con ngỗng sẽ bị giết, như vậy mình đã phạm giới sát sinh, còn nếu nói không đúng thì phạm giới vọng ngữ, thôi, im lặng là hơn.” Thấy vị tỉ khưu không nói người thợ càng thêm nghi ngờ, liền trói vị tỉ khưu lại và dùng gậy đánh đập đến nỗi tai, mắt, miệng, mũi đều ra máu. Con ngỗng lúc nãy thấy máu liền đến ăn, bị người thợ ngọc tức giận đánh chết. Vị tỉ khưu trông thấy thương xót buồn rầu và nói kệ rằng:
    “Xưa có vị Bồ tát
    Bỏ mình cứu bồ câu
    Nay tôi cũng làm theo
    Xả thân để cứu ngỗng
    Vì có lòng thương xót
    Muốn bảo toàn mệnh ngỗng
    Giờ ông đã giết ngỗng
    Tâm nguyện tôi chẳng thành.”
    (Đại 4, 320 hạ).
    Bấy giờ, người thợ ngọc mổ bụng ngỗng, thấy viên ngọc trong đó, liền òa lên khóc và nói:“Ngài muốn cứu mệnh sống của ngỗng mà không tiếc thân mình, khiến tôi làm việc bất nhân này!”
    [X. Kinh Luật Dị Tướng Q.14].


Ồ, thế là truyền thống nhà sư khất thực hẳn đã lâu đời. Xã hội Ấn Độ thời đó có vẻ còn thô sơ lắm. Một người thợ ngọc xâu ngọc cho nhà vua, mà có cả con ngỗng vào tới cửa tiệm, không khỏi buồn cười.  Nhà sư nọ có vẻ rất từ bi và can đảm.  Biết noi gương người trước thí mạng mình để mong cứu sống một con ngỗng. Mà sao thời đó, một anh thợ ngọc, cũng là một Phật tử, lại cả gan đánh hộc máu mồm một tỉ khưu!

May mà anh ta còn biết hối cải, khóc lóc, nhận lỗi minh đã làm việc bất nhân.














những con vịt ở Sapa




Hôm qua loay hoay xem lại cái PC Windows cũ, tình cờ gặp một tấm hình, chụp ở Sapa, chín năm về trước (2010).

Chỉ là mấy con vịt, nằm hoặc đứng, ngổn ngang bên cạnh một vũng nước đất đỏ.

Vậy mà trong lòng bỗng nhói lên một niềm áo não lạ thường.


photo @dtk 2010














Y hệt như nỗi lòng ngày hôm đó, lúc đi ngang qua vũng nước, chụp tấm hình này.

Hôm đó, vừa bước xuống xe car, đoàn du khách đến thăm một ngôi làng thuộc vùng núi Sapa (Bắc Việt), đã bị gần hai chục người Yao bao vây tức khắc. Toàn là phụ nữ, phần lớn tuổi không quá 30 — đầu chít khăn, thân mặc áo đen, thêu chỉ màu sặc sỡ.

Riêng nhà tôi đã có hai ba người Yao theo bén gót, suốt mấy giờ đi bộ thăm làng. Ai bảo người Yao chậm tiến? Trên tay mỗi người đều có một máy điện thoại di động. Họ vừa đi vừa nói chuyện huyên thiên. Đại khái cứ nài nỉ không ngừng, xin nhà tôi nhận lời mua mấy món hàng "lưu niệm" địa phương: túi thêu, khăn choàng... Mấy món hàng này, thực ra ở đâu cũng thấy. Và chắc chắn sản xuất từ một xưởng máy nào đó bên Trung Quốc mà thôi.

Lối vào làng là một con đường đất đỏ, rộng chừng mười thước, dài khoảng gần cây số, dốc thoai thoải, vài khúc quanh không gắt lắm. Đoạn đầu, ven đường là những cánh đồng, mái tranh thưa thớt, sợi khói nhạt nhòa, xa xa chỉ thấy một trẻ mục đồng dẫn trâu chậm rãi.

Vào đến trong làng, rải rác vài cửa tiệm mái tôn, bày bán dăm thứ rau cỏ, kẹo bánh..., và hai ba người ngồi ngáp. Hình như tiệm chỉ rộn ràng lên khi có khách du lịch vào thăm. Không biết ai bảo, nhà tôi cũng bắt chước mua bánh kẹo, phân phát cho mấy đứa trẻ con, tranh nhau ồn ào mười phút.

Dọc đường làng, đây đó một mái tranh hoặc lợp tôn đen đủi, trước cửa, một đứa bé, cầm túi nylon, nhìn ngơ ngác. Chúng tôi ghé thăm một căn nhà, mà người hướng dẫn bảo là truyền thống ở đây. Trong nhà tối om, nhìn kĩ phòng bếp, lổng chổng vài cái bếp đất, mấy cái nồi ngổn ngang, trên tường lủng lẳng mấy cột giấy đề chữ Hán. Ra vườn sau, có một giàn bầu, lá vàng. 


Trên đường, trước sân một căn nhà, có hàng dây thép phơi một dải khăn dài, màu xanh thẫm nước biển. Có lẽ ở đây, người ta dệt vải nhuộm chàm chăng?

Đi một quãng nữa, chợt thấy một vũng nước và mấy con vịt đã chụp trong hình ở trên. Đất đỏ quánh, không cỏ xanh, bên cạnh là một tấm bạt nhựa xanh. 

Không hiểu sao, chụp tấm hình xong, tôi bỗng nhiên buồn bã muốn nẫu cả người.

Chợt liên tưởng tới tấm bảng sắt rỉ sét cắm bên vệ đường lúc vào làng. Khẩu hiệu: "Xóa đói, giảm nghèo". Trông cái vẻ rỉ sét, mặt sắt lồi lõm, sơn tróc màu quá nửa, thì cái bảng này đã có mặt ít nhất từ 30 năm trước.


photo @dtk 2010

Hôm nay, nhìn kĩ lại tấm hình mấy con vịt: những con mắt hạt dưa, đen xạm, không động đậy.

Trông con vịt nào cũng buồn như nhau!














hỏi thăm những cá cùng chim

Lời dẫn 
Cảm ơn bạn Phan Thị Trọng Tuyến, nhân đọc bài "Cá chết",  có nhã ý cho phép đăng lại một đoản văn của bạn (trích từ Mùa Xuân và những con dã tràng, An Tiêm xuất bản, Paris, 1991) — như một tiếng đồng vọng.                                

(*)
Hỏi thăm những cá cùng chim,
Chim bay xa bóng, cá chìm bặt tăm.
(Phong thi, Tản Đà) 


Ban đầu, tất cả những hũ, lọ, keo thuỷ tinh trong nhà bị trưng ­dụng và được xếp dọc theo hai bệ cửa sổ. Trong mỗi cái là một ­loại cá. Cá lia thia, cá phướn đen đỏ trắng cam, cá xiêm xanh ­tiá vàng, bạc, cá đá vằn vện oai phong. Thỉnh thoảng bọn con nít ­len lén nhấc tờ giấy chận, những con cá nhìn thấy nhau, đứa phùng­ mang trợn má húc đầu vào thành lọ, đứa sừng sộ nghinh lại, đứa ­chạy loăng quăng cuống quýt vòng quanh, cả bọn tôi reo hò ầm ĩ cổ ­võ. Cậu tôi chạy ù tới ký đầu bọn tôi cốc cốc vừa la oai oái vừa ­tái lập hòa bình cho bọn cá.

image Internet

Rồi Đạt, thằng em tôi cũng bắt chước, đi bắt cá chốt, cá lìm kìm dưới­ sông lên. Lại hũ lọ lủ khủ. Dần dần, chỗ nào cũng có nhà cho cá. Và ngày nào cũng có cá chết. 
Đạt thử hết nước sông cầu­ Sắt, tới nước "máy" Đồng Nai, hết dùng thức ăn cá lia thia tới thức ăn ­cá Tàu, chỉ hai hôm ba bữa là lũ cá sông xấu xí lại nằm chổng ngược trên mặt nước, ­phơi bụng trắng hếu. Thằng nhỏ ỷ ôi năn nỉ, cậu tôi thí cho vài con ­cá "thứ thiệt", chẳng biết vì cậu sợ nó bò xuống sông hoài, có ngày chết đuối hay vì cậu mới tậu thêm cá mới...

Cậu tôi đổi chác, thương lượng sao đó với những bạn hàng cá kiểng ở chợ Hàm ­Nghi rồi một hôm vác về hai hồ cá thủy tinh đúng điệu. Có bông đá màu đỏ,­ có cả rong xanh, cây cối giả bằng nhựa. Thằng em tôi sung sướng­ thừa hưởng mớ nhà nghèo linh tinh thủa ban đầu của cậu. 

Thỉnh thoảng cậu và đám bạn hàng xóm thách đấu nhau, nhà tôi ồn ­ào như cái chợ. Tôi chen không nổi với đám con trai nên khinh bỉ­ lùi ra xa, thỉnh thoảng lé mắt, nghếch mỏ dòm dòm, nhờm tởm tưởng ­tượng đến lúc chúng ngắt đầu con cá dựng lên trên cây tăm, xoay ­xoay cây tăm trước mũi những con cá để máu nóng (của cá) hung hãn bốc lên. ­Cậu cười ngất:
— Con gái ngu quá, đá cá chớ có phải đá dế đâu!

Hừm, hừm, đá gì cũng vậy, mùa dế thì thây dế không đầu, giò cẳng ­vương vãi trên sân xi măng, muà đá cá thì xác cá trầy vi tróc vẩy­ nằm trong thùng rác.

Nhưng cậu là kẻ đam mê. Và đam mê cứ đến ào ạt, hết đợt này đến ­đợt khác, cái này đè lên cái kia, cái sau lấy chỗ cái trước. Chỉ dế, cá thôi thì đâu đủ chuyện để nói.

Từ­ lúc (cậu và cả tôi nữa) mới lớn lên, tôi đã thấy cậu mê chim chóc. Mỗi lần về quê, cậu rình rập, leo cây bắt tổ chim, gọt ­đẽo giàn ná bắn chim. Rồi hết hè về nơi thành thị, cậu tái tạo không gian và không khí nhà quê. Cậu và con mèo rất ­giống nhau: con mèo ngồi thu lu trên mái tôn, hai con mắt lim dim ­đạo đức giả, đôi chim sẻ vừa xà xuống, chưa kịp hót một tiếng ­nhỏ, mèo đã xồ ra, trong chớp mắt cắn cổ một con chim chạy đi, ­chú chim sống sót đảo qua đảo lại kêu lên những tiếng cuống quít,­ não nùng.

Còn cậu tôi, ngồi cạnh má tôi phết vẹc ni mấy cái­ chân ghế, nhưng hai con mắt và hai tai cậu nằm ngoài hàng cây ven đường trước cửa. Nhận ra tín hiệu: một tiếng hót, một tiếng cánh vỗ, cậu vụt buông cọ, chạy nhào lên gác, rút ná, tra đạn, hướng­ lên cây sao rậm rạp, nhắm một con mắt, thẳng tay kéo giàn rồi vụt­ buông những ngón tay. Lá cây rơi lả tả, cậu lại chạy a đến gốc cây, bới ­bới đám lá... rồi lỏn lẻn đi vào nhà, tay không. Đôi khi, cũng có một nạn điểu...

Dần dần cậu có tổ chức hơn, chững chạc hơn, bớt dã man. Cậu sắm ­lồng, cậu xuống phố Hàm Nghi, viếng chợ cá, tới chợ chim. Những người bán buôn năm cũ, có nhớ cậu tôi không, một chú bé nhỏ choắt, nói năng nhỏ nhẹ, đôi mắt to đen như nhung, ban đầu đi một ­chiếc xe đạp lau chùi bóng loáng, sau đó... xe mô lết rồi solex rồi honda. Đã nói cậu mê đủ thứ, cùng một lúc hay lần lượt trước sau, nhưng chắc chắn chưa bao giờ có dấu chấm, thậm chí dấu phết cũng hiếm hoi, giữa hai mối đam mê.

Để có chỗ cho một ­cái lồng chim thật to, cậu phải thanh toán bớt những chậu cá  ­ngoài sân, lại mua bán, đổi chác nhộn cả lên. Má tôi hì hục đóng ­một cái nhà chim, mành lưới, cửa to, cửa nhỏ hẳn hoi. Tôi gọi là nhà vì tôi đã có thể (lén) chui vào được, nhưng cậu chẳng cho đứa nào được phép bước vào trong đó. Cậu tự làm lấy tất cả, dựng cành ­cây khô, lắp những chiếc nhà nhỏ xíu, những cây xích đu, làm ổ­ chim, gắn máng thức ăn, bình nước. Chim gì cậu cũng mua, mấy họ­ nhà chim chen nhau ở trong cái lồng son khổng lồ. Nào cưởng, sáo, ­két xanh, hoàng yến, chìa vôi, chim áo già... Chim líu lo ríu rít ­có khi cắn nhau chí choé, thức ăn, lông chim, kít chim văng tung toé. Cậu­ vẫn vui vẻ lau rửa, thay nước, xắt rau, thay hột cải, mua cả cào ­cào châu chấu, trùng đất cho những chú chim khó tính.

Nhưng cậu không có tay nuôi, hay vì đời cá chậu chim lồng chẳng ­thích hợp với ai, nhất là cho chim và cá, chúng thay phiên nhau­ chết. Bọn tôi, đi học về, vất cặp xuống là chúi mũi vào những ­ngục tù, quan sát rồi hơ hãi:
— Cậu Út ơi có một con chim chết!
— Cậu Út ơi có một con cá cứ ngáp ngáp!

Cậu lật đật vớt cá ra, rờ rẫm, thay nước. Cậu bồng chim, vớt cá ra, vuốt ­ve, ủ ủ trong hai bàn tay, có khi cậu vạch mỏ "người" bệnh, nhỏ vào vài­ giọt nước hay thuốc. Má tôi cũng bỏ việc, chẩn mạch, sai cậu lấy thuốc­ ra nghiền, khi thì terramycine, khi thì auréomycine có khi cả ­thuốc kiết lỵ, thuốc ghẻ, thuốc sốt rét... Má tôi đưa mấy đồng bạc lẻ:
— Con chạy ra phạc ma xi Ngọc Lan mua hai viên ti phô my xin, một­ túp ga ni đăng...
Bây giờ đùa má tôi thì má tôi giận:
— Tao nuôi tụi bây bảy tám đứa lành lặn không đui què sứt mẻ!

Nhưng cá và chim... dở hơn tụi tôi nên thi nhau về chầu... Diêm ­vương, Hà Bá. Ngoài tai trời, ách nước, chim cá còn chịu những­ khổ nạn khác nữa, ấy là chưa kể trẻ con hàng xóm nghịch ngợm cho­ ăn những giấy vụn, cây trái, thức ăn bậy bạ. Và chưa nhắc đến một hung thần ác mó ­là con khỉ Bạch Viên, má tôi mua của bác Năm phụ lái xe đò đường Sài ­Gòn - Đà Lạt.

Con khỉ khôn như người và phá phách hơn tụi tôi. Khỉ có một cái bệ gỗ phía trên cửa ra vào, chân khỉ bị xích vào một sợi dây dài độ hai, ba mét, khỉ thong thả­ chuyển vận từ ngai vàng qua đầu tủ, tụt xuống tận cửa sổ, thò tay ra ngoài xin quà bọn trẻ hàng xóm, v.v. Hễ khỉ phá quá, má tôi rầy, cậu thu ngắn dây lại; đến khi khỉ ngoan, cậu nới dây ra. Lâu lâu, thừa lúc mọi người lơ là cảnh giác, khỉ ta từ trên đầu tủ tuột xuống một cái ào, nhào lại chậu, thò tay vớt cá hất xuống đất (khỉ cột ghét cá ăn?). Và rột một cái khỉ ta đà chễm chệ trên đầu tủ, nhe hàm răng nhọn ra cười. Cậu tôi hét lên, chạy tới lượm cá bỏ vào chậu, rồi kéo sợi xích, lôi con khỉ xuống, đánh vào tay nó. Khỉ vẫn nhe răng nhưng lần này khọt khẹt kêu oan. Cá bị đau tim hấp hối. Đôi khi khỉ ta mở cửa chuồng chim, không phải để phóng thích chim mà cốt để mèo chui vào! Con mèo mướp già thích chim, mê cá như cậu tôi. Nó vớt cá tài tình không kém khỉ và hễ ăn thì chẳng như con Cám, không chừa vây, vẩy, xương da chi cả, nhưng chỉ cần nhìn: trên chậu vắng cá, dưới cửa sổ mèo ta ngồi lim dim liếm mép rồi vươn vai thẳng cánh nằm kềnh ra là biết ngay chuyện gì đã xảy ra.

Về sau, khi cậu mê xe đạp: từ xe thường rồi qua loại xe đua, rồi sau xe đạp là xe gắn máy, khoảng thời gian to lớn cậu dùng xe để đi chơi và để o bế xe như lau chùi căm xe, niền xe khiến cậu phải bỏ bê chim cá. Chúng thi nhau chết. Cậu chắc hết vốn hay chỉ vì có xế quên cá, có ngựa (sắt) quên chim, tôi không thấy cậu đi bổ sung quân số. Những chậu cá bớt dần khách trọ, trong chuồng chim cũng chỉ còn vài con bồ câu và con cưởng chỉ biết nói bốn tiếng "Má ơi! Ai đó?". Cậu đã dốc lòng nuôi dạy, chăm sóc, chuyện vãn, kiên nhẫn lập đi lập lại từng câu ngắn. Không biết ăn bao nhiêu ớt, lột lưỡi mấy phen mà rốt cục cưởng chỉ biết thêm một biến khúc nhỏ tẹo "Đạt ơi! Ai đó?".
Ngày nào cũng có con nít, người lớn đi ngang dạy cho mấy câu chào và chửi tục, song lắm thầy thối ma, hay vì óc cưởng đã bão hoà, nên trước sau bộ dĩa cưởng chỉ chứa được bấy nhiêu lời.

Cậu chỉ còn phải chăm sóc con khỉ thôi. Chẳng hiểu vì giận cậu tôi quá lơ là săn sóc hay buồn vì đã mất một mớ bạn, khỉ trở nên lộng hành, ưa phá khách đến viếng nhà sau. Một bữa, bà Chín ròm, hàng xóm với nhà tôi, ẵm con qua mắng vốn chuyện gì đó, bà vừa qua khỏi ngưỡng cửa, khỉ ném vỏ chuối ngay vào giữa mặt bà, bà chưa kip phản ứng thì khỉ tụt xuống thò tay kéo tóc đứa con. Cả hai mẹ con, kẻ la làng chói lói, người khóc thét...

Thế là cậu tôi ẵm khỉ đi Hàm Nghi. Nhà bỗng trở nên thanh bình, yên tĩnh.
Nhưng thứ hoà bình cưỡng đặt nào cũng mong manh, ngắn hạn. Chỉ vài hôm sau, cậu bê về một con... sóc. Ô, sóc dễ thương quá, cái đuôi xù ra và đôi lúc dựng ngược lên, mềm mại, hai con mắt nhỏ, mấy ngón chân, ngón tay tí hon. Khi ăn, nó cầm bằng cả hai tay như một đứa trẻ. Thế là như thường lệ, sau khi cả bọn tôi năn nỉ, khóc lóc, nằm vạ, hứa hẹn ngoan ngoãn, vâng lời, v.v. cậu cho mỗi đứa chúng tôi nựng nịu hay vuốt ve sóc, "một cái thôi!".

Cậu cột chân sóc vào sợi dây nhợ nhỏ, và đính sợi dây vào nút áo. Sóc thoăn thoắt leo ra leo vào túi áo cậu, có khi leo cả lên vai cậu, ngơ ngác ngắm nhìn xung quanh trong tiếng trầm trồ của thiên hạ. Sóc và người không bao giờ rời nhau.

Cho tới một ngày kia, cậu đánh thức cả nhà bằng một tiếng kêu kinh hoàng. Ô hô, cậu ngủ mê, lăn lộn thế nào mà đè nghiến con sóc nhỏ. Lũ nhỏ chúng tôi buồn bã bỏ sóc vào hộp giấy, làm đám táng, chôn sóc dưới gốc dừa, bên cạnh vô số những nạn vật khác của cậu. Đã bảo cậu không có tay nuôi mà! Và chuyện cậu nuôi thú là chuyện một nghìn lẻ một đêm, là một never ending story. Càng lúc cậu càng leo thang trong sự lựa chọn đam mê mới. Và đam mê nào cũng khiến lũ chúng tôi xôn xao, thán phục.

Cậu tha về nhà một con trăn con bé tí, đường kính thân trăn độ bằng ngón tay cái của ba tôi. Trong khi chờ trăn lớn để cho vào chuồng chim to (bầu bạn cùng cưởng!), cậu cho trăn ở trong một lồng chim nhỏ. Trăn cuộn tròn nằm ngủ suốt ngày, chẳng có chi đáng nói. Mỗi tháng một lần cậu mua gà con về cho trăn ăn, tôi chưa bao giờ dám đứng xem, con nít người lớn bu đen. Khi thiên hạ dang tay ra về, tôi mon men đến gần thấy trăn ta cuộn tròn nằm ngủ, một khoảng bụng phình to thật gớm ghiếc. Có khi cậu chỉ cho trăn ăn trứng gà. Trăn lớn lên rất nhanh, lâu lâu lột da thấy mà ghê. Trong đám thú vật của cậu, từ những con "củ" cậu nuôi trong cam thảo, vỏ quýt — cậu đem đến tiệm thuốc Tàu đổi lấy quế hay táo khô — đến vịt con nuôi trong chậu, từ chim yến đến dế cơm, từ cá ba sắc đến rùa Kim Quy (?) gốc gác chùa Ngọc Hoàng, con nào tôi cũng được cậu cho phép "rờ một cái" rứa mà tới con trăn tôi chịu thua một phép. Cậu dụ khị:
— Rờ thử coi, ngộ lắm, thân nó mềm, da nó cứng, máu nó lạnh...

Cậu tôi như vậy đó, lúc nào cũng ngăn cấm lũ cháu xáp lại gần bảo vật riêng tư, nhưng đứa nào lơ là thì cậu ráng thuyết phục để nó chia sẻ — từ xa xa, dĩ nhiên, tất cả các nguyên nhân khiến cậu bận bịu một cách sung sướng suốt cả đời.
Tới một bữa, cả nhà nhốn nháo: con trăn xổ chuồng trốn mất! Tôi đứng ngẩn ngơ trước lồng chim trống, tim đập đùng đùng trước hai song kẽm bị kéo rời nhau như khi Hercules bẻ cong chấn song vượt ngục. Cả đám đổ xô đi tìm... vô vọng. Anh Phước, bạn cậu, hăm he lũ trẻ:
— Tụi bây ráng kiếm cho kĩ. Nó trốn dưới mấy cái nhà sàn ven sông bắt cá hoặc gà vịt ăn đỡ, chừng lớn hơn nó lên bờ bắt... chó hay con nít ăn!

Trời ơi, mấy tuần liền, tôi không dám vô xóm, không dám qua nhà mấy con nhỏ bạn ở ven sông! Và tin rằng mười năm sau, nếu có thủy quái hoành hành ở sông cầu Bông. 
Đích thị là con trăn trốn tù thuở nọ!

Khi tôi đi học xa, em tôi viết thư cho hay cậu đang nuôi một con cá... sấu! Cá sấu được nuôi trong... thau nước, đặt trên... sân thượng. Mỗi ngày má tôi đi chợ mua thức ăn cho cả nhà, vẫn phải nhớ thêm phần thịt cá cho sấu. Cho đến một hôm, chuyện phải đến xảy ra: sấu đội nắp thau, liều mình pờ lông rông xuống đất và bò thẳng ra sông tìm đến bến bờ tự do, khoảng khoát. Mười lăm năm sau xóm cầu Bông ắt lại có thêm một con giao long tác quái!

Never ending story? Không, khi đất nước hoà bình, thống nhất nam bắc một nhà và mỗi nhà túa ra bốn phương tám hướng, tôi không còn nghe cậu tôi nuôi con gì nữa. Hai đứa con, cậu mợ sinh ra từ thời "ngụy", cậu nuôi chỉ nổi một đứa, còn một đứa đi ở với dì tôi.

11-1991
Phan Thị Trọng Tuyến
Trong Muà xuân và những con dã tràng
Nxb An Tiêm, Paris, 1991










ngày vui qua mau


"Ngày Vui Qua Mau", hình như là nhan đề một cuốn tiểu thuyết của Tuấn Huy. Nói về một chuyện tình lãng mạn gì đó ở xứ Đà Lạt sương mù... Tác giả này, ngày nay ít ai biết tới. Nhưng tôi nhớ mãi cái nhan đề.


photo @dtk 2020

Hồi đó Phạm Công Thiện là bạn của Tuấn Huy. Trong cuốn tiểu thuyết "Hương Cỏ May", tác giả Tuấn Huy có dẫn bài thơ dưới đây của Phạm Công Thiện. Tôi thấy bài thơ này lần thứ hai trong tập "Ngày Sinh Của Rắn" (*):




Năm 1968, đúng ngày xảy ra biến cố Mậu Thân, tôi theo anh tôi (lính về phép 24 giờ) xem phim Hồng Kông "Đuổi bóng hạnh phúc" (hay cái tên gì khác — tôi bây giờ rất ngờ cho trí nhớ của mình) ở rạp Đại Nam, đại lộ Trần Hưng Đạo.

đại lộ Trần Hưng Đạo (1967, photo John Beck)
Ấy là lần đầu tiên tôi trông thấy một bụi cây ngô đồng đong đưa trước gió. Chuyện phim kể rằng vào mùa lá cây ngô đồng rụng thì nhân vật nữ vai chính sẽ qua đời vì bệnh nặng. Ôi, còn rất nhiều tình tiết éo le. Ra về, qua chợ Bến Thành, khí hậu thành phố buổi chiều 30 Tết sao hoang vắng lạ thường. Đêm hôm đó, trở về nhà khu quận Nhất, nghe tiếng súng nổ rất gần... 

Cuối năm, tôi lên đường, ra đi biền biệt chưa về.



Ghi chú

(*) Tập thơ Ngày Sinh Của Rắn của Phạm Công Thiện do Thi Vũ trình bày và Nhà xuất bản Hoa Nắng in lần thứ nhất ở Paris, 1966.

Saturday 30 May 2020

cá chết



Buổi trưa ra vườn xem hoa súng nở, chợt thấy một con cá phơi bụng bạc trên mặt nước trong hồ. Trông dáng con cá nằm, biết ngay là nó đã chết. Tôi lấy cái gáo dừa vớt nó lên, đem ra cuối vườn vùi xác dưới mấy phân đất đen. Lòng buồn buồn. Gần một tuần qua rồi, lòng tôi vẫn cứ mãi buồn buồn. Lạ thực.

Ờ, đem chôn một con cá chết trong hồ như vậy, tôi đã quen việc từ nhiều năm nay. Thỉnh thoảng thường có mấy con chim lớn bay lại rửa cánh, đôi khi ngắm nghé muốn mổ cá lội trong nước. Đó là chưa kể còn có con mèo lông xám nhà hàng xóm hay lảng vảng bên bờ hồ, nhiều khi còn thò chân xuống nước, định chộp cá. Mấy con cá nhỏ trong hồ, chắc biết thế nên ít khi dám trồi lên mặt nước, trừ vài khi lúc có người thêm nước vào hồ, nghe tiếng nước róc rách, chắc tụi nó vui quá, quên cả sợ, bơi lội tung tăng. "Bầy cá mới sướng chứ," tôi mỉm cười tự nhủ.

Mấy tuần nay, tin tức qua Internet báo động cá ngộ độc chết tràn trên biển miền Trung (Việt Nam). Ôi, mà tin tức buồn thảm về đất nước thì hà rầm từ mấy chục năm rồi. Nhưng lần này liên quan tới cá, nên tôi cứ ưởng ưởng trong người gần cả tuần nay?

Bất chợt, muôn vàn kỉ niệm xưa đổ dồn như nước lũ về trong tâm khảm.

Năm ấy, chưa đầy 17 tuổi, tôi đang học thi Tú Tài phần Một ở Sài Gòn. Chiến tranh Việt Nam bắt đầu càng ngày càng khốc liệt. Anh tôi nghỉ phép quân đội về thành, đem tặng tôi cuốn sách mỏng nhan đề "Nói với tuổi hai mươi" của tác giả Nhất Hạnh mà tôi chưa nghe đến bao giờ. Tôi hiểu ý anh tôi dùng món quà thay lời khuyên nhủ đứa em trai. Giản dị lắm, đại khái muốn bảo tôi hãy cố gắng học giỏi thi đậu và chưa phải đi lính ngoài tiền tuyến như anh ấy bấy giờ. Nhưng khi đọc cuốn sách, mặc dù lời văn rất trong sáng ngọt ngào, tôi lại bị lôi cuốn mãnh liệt vì một lá thư của một người tuổi trẻ ngang tàng, cũng chính là đối tượng của cuốn sách kia. Nhất là mấy câu viết này (ghi lại theo trí nhớ): "Chúng tôi không cần tới các ông nữa. Chúng tôi tự gánh lấy trách nhiệm của mình trên những đôi vai yếu đuối..." Không còn nhớ trong hoàn cảnh nào, tôi vùng ra tiệm sách Khai Trí đường Lê Lợi 
(*) Nhà sách Khai Trí, Saigon, trước 1975
 mua về đọc ngấu nghiến bộ sách dày cộm "Ý thức mới trong văn nghệ và triết học" của Phạm Công Thiện.

Trong lá thư gửi cho Hồng (nào đó), dùng làm lời tựa, tác giả viết mấy dòng nồng nàn đầy cảm xúc làm tôi đau điếng tâm hồn (ghi lại theo trí nhớ): "Ngoài kia có những người tuổi trẻ đang giãy giụa chết trong mưa... Khóc lên đi, hỡi quê hương yêu dấu..."

Có một điều kinh khủng mà tôi không bao giờ hiểu nổi: Tại sao còn những bàn tay bẩn điên cuồng đưa đẩy con người đến bước đường phá sản cùng tận mà hôm nay vẫn ngang ngược không nguôi?







Tham khảo





















Mưa trên phố Huế

  Chị TH, Ở Âu châu đã gần sang mùa đông, nhưng hoa cúc vàng còn đang nở rộ...  photo dtk 20xy Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu, Sắc mạnh huy ...