Sunday 20 December 2020

Hà Nội đi tìm

 



(2020/06/19, 14:30)

Hà Nội trong tôi không có Hồ Gươm, Vườn Bách Thảo... mà là một thành phố đỏ rực màu cờ.

Xe nhà binh chạy sầm sập trên đường, người tụ tập hai bên vỉa hè đông nghẹt, hoan hô rầm rĩ. Tôi nghển cổ nhìn, chỉ thấy đầu người và những lá cờ bay.

Tôi đứng trên một vỉa hè phố Quan Thánh, gần nhà chú Thụ chỗ gia đình chúng tôi đang ở tạm (vợ chú Thụ là em ruột của mẹ tôi).

Cái tên phố này, lúc đó tôi không hề biết. Nhưng bao nhiêu hình bóng lũ lượt đổ về, tự động sắp xếp thành một bức puzzle.

Thấy nhiều người đeo trên túi áo một tấm hình tròn lồng kính ngộ nghĩnh. Chạy về nhà xin bố mua. Nét mặt bố bỗng nhiên nghiêm khắc hẳn lên làm tôi ngơ ngác không hiểu tại sao.

Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy
Là những nhành sông đỏ sóng cờ
Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại
Năm cánh xòe trên năm cửa ô...

Mãi sau này, lần đầu đọc bốn câu thơ trên đây của Vũ Hoàng Chương, tôi nhận ra ngay Hà Nội trong trí nhớ chính là Hà Nội vào những ngày tháng đó.

Bây giờ thì tôi nhớ rõ gia đình chúng tôi đến Hà Nội từ mấy hôm trước.

Một sớm, có người đánh thức, đưa cho tôi một tô bánh sợi trắng nuốt, nước còn nóng hổi. Đó là anh Tế, tuổi độ 15, là người làm cho gia đình tôi. Anh Tế là con một gia đình cùng làng với cha mẹ tôi ở Hà Đông. Có lẽ lần đó đi theo cha mẹ tôi chuẩn bị vào Nam...

Đó là lần đầu tiên tôi được ăn phở (không thịt), ngon ngọt lạ thường.

Tôi còn nhớ, có hôm theo anh Tế nhặt những quả bàng rơi, lấy đá đập bể, moi lấy nhân ăn, bùi bùi thơm thơm. Có lần anh ấy lấy gậy khều một trái gì rất lạ, trên cành thòng vào balcon nhà chú Thụ. Trái hình bầu dục (bây giờ thì tôi biết nó hơi giống trái cacao), lúc anh Tế đập ra, thấy còn xanh, vứt đi chỗ nào tôi không để ý. Anh Tế biết làm nhiều trò vui. Có lần anh ấy biểu diễn chỉa hai ngón tay như bắn súng, bịm môi nhịn thở, dồn hơi xuống bụng, bịp bịp phát ra tiếng rắm, làm mọi người cười nghiêng ngả.

Chúng tôi nhiều lần chạy sang nhà Bà Trẻ ở bên kia đường. Chúng tôi gọi là Bà Trẻ, vì bà là cô của mẹ tôi. Căn gác nhà Bà Trẻ lúc nào cũng âm u hương khói. Nhưng tôi hay chú ý tới cái bình sứ cắm hoa giả. Lần nào, nếu Bà Trẻ có mặt, cũng với tay gỡ mấy cái hoa hình quạt hoặc như cánh bướm, mở ra thành tờ giấy bạc, cho mỗi đứa một cái.

Anh tôi một lần được Bà Trẻ cho một sợi dây chuyền vàng có gắn một cái móc bằng ngà voi. Không hiểu sao, một hôm anh ấy đem đổi sợi dây chuyền với một thằng bé nhà bên cạnh, lấy hai chiếc bánh xe bằng cao-su. Hai anh em thỉnh thoảng mỗi đứa ngồi một góc phòng trên gác, lăn qua lăn lại hai cái bánh xe, cũng vui.

Hình như lúc bấy giờ anh được vô ban nhi đồng trong phố tập đánh trống cà rà rình theo điệu xôn đố mì:

Đây thiên đường tổ quốc chúng ta,
Đây ruộng vườn quê hương ngàn đời...

(2020/06/19, 21:40)

Năm đầu vào Nam, gia đình tôi ở Đà Lạt. Trong nhà có cậu Nghị — em mẹ tôi, cùng với một người bạn lính thuộc Ngự Lâm Quân của cựu hoàng Bảo Đại, đến trọ một thời gian (1).

Buổi tối trong phòng ngủ, cậu tôi thường hút thuốc lá, thở ra những vòng khói xanh huyền ảo, và thích hát bài "Hướng Về Hà Nội".

Lớn lên một chút, thỉnh thoảng nghe bố mẹ nói chuyện với nhau, hoặc đọc văn của Thạch Lam, Nguyễn Đình Toàn... tôi mới biết thêm những tên đường kì lạ.

(2020/06/21, 14:27)

wikimedia.org/wikipedia/ 
Tháp Rùa

Tôi vụt thấy mình đứng sững nhìn Tháp Rùa trên nước lung linh.


(2020/06/30, 16:59)

Lúc vừa viết xong câu trên, cách đây 9 ngày, tôi nhớ rõ: đầu óc bỗng khựng lại, mấy ngón tay gõ phím đờ đẫn.

Một câu hỏi lóe lên: Tôi đang viết Cái gì đây? Để làm chi? Chẳng là rót thêm mấy giọt nước bẩn vào đầu người đọc?

***

Bạn đọc thân mến, xin cho phép gọi như thế, theo thể điệu của Baudelaire (Au Lecteur).

Hôm đó, tháng 7 mùa hè 2002, lần đầu tôi trở về thăm Hà Nội, — 48 năm sau ngày theo bố mẹ lên tàu vào Nam.

(2020/07/01, 02:01)

Tháp Rùa giống hệt như trong con tem hình Hồ Hoàn Kiếm tôi sưu tầm được những năm xưa. Những con tem rất quý, bóc ra từ những bao thư cậu Nghị để lại, khi cậu từ giã gia đình tôi ở Đà Lạt, lấy chuyến tàu cuối cùng về Bắc, tìm lại người vợ thân yêu (1).



(còn tiếp)



Chú thích

(2)































Sunday 13 December 2020

giàn hoa giấy

  

Lời dẫnXin phép các tác giả sách "Quách Tấn, Thiên Nhiên và Quê Hương" (Việt Nam, 2007) cho đăng lại trong blog này bài viết in trong sách, trang 302-303, trích từ hồi ký của Quách TấnBóng ngày qua, phần Đời văn chương.


bìa của họa sĩ Vĩnh Ấn 1965

Cây hoa giấy trong vườn tôi màu đỏ điều, gốc bằng bắp vế, tàn nằm trên giàn gỗ rộng, tỏa mát cả mảnh sân trước phòng ngủ của tôi. Nhờ giàn hoa, nắng trưa không chói vào nhà, nắng chiều không lọt vào nhà.

Hoa ra đầy nhánh. Mùa nắng thạnh hơn mùa mưa.

Cánh hoa mỏng như giấy, nên khi rụng bay theo gió chập chờn như bươm bướm mùa xuân. Nếu được chút hương nữa thì tuyệt.

Mùa hè tôi ngủ ngoài nhà dù, cạnh giàn hoa. Sáng thức dậy vừa cuốn mùng thì hoa bay vào đầy cả giường. Trên mặt drap trắng, sắc hoa làm nổi bật vẻ xuân. Tôi nằm yên nhìn hoa múa. Múa chán đua nhau chui vào lòng, tấp vào gối, bay lên mặt lên đầu... Không nỡ trở mình vì sợ làm "nát đời hoa". Đợi con Mộng Hoa (người con gái thứ sáu) con Trung Thu (thứ bảy) ra lượm tất cả ướp vào hộp của chúng rồi tôi mới trở dậy.

Mỗi tuần ít ra cũng một lần vui với hoa với con trong buổi sớm thức dậy.

Bên vườn láng giềng cũng có một bụi hoa giấy mọc nơi rào, sắc tím.

Màu tím của khóm hoa này không đượm đà như màu hoa sim. Màu tím lờn lợt như nước trái bàn chải, trông vô duyên như các me Tây già làm đỏm. Tôi không ưa nhìn mà cũng không thích để lẫn lộn vào hoa của tôi, cho nên hễ bên láng giềng bò qua nhánh nào là tôi chặt rụi nhánh nấy! Khi ghét thì lòng trở nên tàn nhẫn! bất công! Rồi một hôm, một đóa hoa tím ở bên láng giềng, rụng tận ngoài ngõ cũng bay trộn vào với hoa trong vườn, bay lên giường tôi.

photo 2020 dtk@huediepchi.com
Giữa đám đông hoa điều, tôi cảm thấy đóa hoa tím lẻ loi tội nghiệp quá! Không biết hoa sợ tôi hắt hủi hay thông cảm nỗi lòng tôi nên một khi bay lên giường tôi thì chui ngay vào lòng tôi, trước hết các chị em! Tôi cảm động, thật tình cảm động, ôm nhẹ đóa hoa vào lòng... 

Tôi hối hận đã ghét hoa tím một cách vô lý. 

Từ ấy tôi hết chặt hoa tím và cây hoa bên láng giềng bò sang bên vườn tôi, đỏ tím chen nhau trông lại càng đẹp mắt.


Quách Tấn

(trích Bóng ngày qua, phần Đời văn chương)


Ghi chú 

Để nhớ lại lần đến thăm nhà thi sĩ Quách Tấn (1910-1992), đường Bến Chợ, Nha Trang, năm 1996. Lần ấy, tôi được con trai nhà thơ là Quách Giao tặng cho một bản tập thơ Đọng bóng chiều, in lần thứ nhất 1965.

Cái tên chọn cho blog này — Bóng ngày qua, tôi mơ hồ không biết có phải đã chịu ảnh hưởng từ nhan đề tập Hồi ký của Quách Tấn hay không nữa. Tập hồi ký này, tôi nghe tên đã rất lâu, hơn 40 năm rồi, trên tạp chí Quê Mẹ, rao sẽ xuất bản, và tôi cứ chờ đợi từ ấy đến giờ. May mà tôi cũng đã được đọc một số bài trích tuyển. Nhớ nhung da diết, như muốn tìm về thời gian đã mất hoặc quê hương không còn nữa.






















Saturday 13 June 2020

mơ ơi


Buổi sáng, đang đứng trong vườn, chợt thấy một con rùa vàng dưới một gốc cây, tôi kêu to:
— Con rùa, con rùa...

Nhà tôi và hai cháu bé, một gái một trai, vội hỏi cùng một lượt:
— Đâu, rùa đâu?

Trên sân cỏ nắng chói, nhìn không dễ. Tôi bước lại gần gốc cây, dí ngón tay lên lưng con rùa, nói:
— Nó đây này.

https://fr.wikipedia.org/wiki/
Tortues_terrestres
Ai bảo chậm như rùa, con này nhanh gớm. Vụt một cái, nó đã chạy xa mấy thước. Thỉnh thoảng, tôi cứ phải chụp lấy nó, đem về chỗ cũ. Hai đứa bé cười khanh khách. Bây giờ không sợ nữa, thay nhau bắt chước tôi, chụp con rùa, đùa giỡn vui vẻ.

Lúc đó, tôi quan sát kĩ, thấy con rùa rất đẹp. Thân rùa bề ngang to hơn bàn tay tôi mở rộng. Mu rùa khắc ô chữ nhật, nền vàng vạch đen. Trông như một bức hình học không gian.

Chơi đùa với con rùa một hồi lâu, cũng chán. Hai đứa bé vào chỗ mát trong vườn, nhờ tôi tìm cách buộc con rùa vào một chỗ. Mới đầu, tôi lấy dây buộc con rùa bốn góc như một gói quà. Nhưng thằng bé cầm một lúc là tuột dây. Tôi bèn vào nhà chứa đồ nghề làm vườn, tìm được một cái khoan điện, đem ra thử khoan một lỗ trên mu gần đuôi rùa. Sợ làm đau con rùa, có thể cũng vì nhát tay, tôi khoan hoài không lủng. Tiếng máy khoan ré lên, nhức óc. Đứa con trai út của tôi, hồi đó lên đâu bốn năm tuổi, nói: 
— Thôi, bố đừng khoan nữa.

Vừa vặn, có cha mẹ vợ đến thăm. Ông bà cha mẹ vợ tôi chính là chủ ngôi biệt thự này. Mỗi năm, gia đình chúng tôi, khi nào muốn, đến đây nghỉ hè. Ông bà chủ nhà sắp xếp đi ở mướn trong một làng gần đó, để cho chúng tôi ở tự do thoái mái suốt một tháng hè.

Hôm đó, ông cha dượng của nhà tôi, nói:
— Thực ra, mình không có quyền giữ rùa như vậy...

Loài rùa đất này là một trong những loài vật được bảo vệ trong môi trường thiên nhiên.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện cổ, có người thuyền chài, một hôm lưới được một con rùa, nhưng không nỡ giữ lại, đem nó thả xuống biển. Đêm về, nằm ngủ có thần báo mộng: Con rùa người chài bắt được trong ngày chính là con của Long Vương dưới biển. Đền ơn chàng ngư phủ, năm nay sẽ đỗ Trạng nguyên...

Tôi ra sau vườn, tìm được chỗ chất củi dành đốt lò sưởi mùa đông. Lựa được mấy chục đòn gỗ dài 30-40 cm, bề ngang to như bắp vế đàn bà.

Lấy xe bù ệt chở củi ra sân cỏ trước nhà. Loay hoay một lúc, làm xong một cái cũi rùa, bề ngang 1 m, bề cao 0,5 m. Tôi bỏ con rùa vào cũi. Nó vùng lên chạy tứ phía, tìm cách thoát thân. Có lần, leo lên một khúc củi, bị té lật ngửa, chổng bốn cẳng lên trời. Tôi lật úp nó trở lại, nói thầm: "Mi chổng cẳng lên trời, chỉ có chết khô...".

Buổi chiều, hai ông bà cha mẹ vợ đã ra về, chúng tôi muốn đi tắm biển. Trên đường lái xe ra bãi, cách nhà khoảng một hai cây số, tôi vui miệng hỏi hai đứa bé đã đặt tên cho con rùa chưa. Chúng nó đồng ý với nhau, gọi tên rùa là Caroline — như trong những bộ phim hoạt họa hằng tuần, trên đài truyền hình dành cho con nít thời đó. Riêng tôi, gọi tên con rùa là Mơ —vì đã gặp con rùa dưới gốc cây mơ (abricotier).

Xe vừa đậu xong bên đường cạnh bãi cát, hai đứa nhỏ đã chạy ào xuống nước, vùng vẫy trong bọt trắng biển xanh...

Xe lăn lạo xạo trên sân trải sỏi trắng trước nhà, vừa ngừng bánh, hai đứa nhỏ đã chạy ùa ra chỗ cũi rùa. Hỡi ơi, con rùa đã biến đâu mất, không biết từ bao giờ. Mọi người chia nhau xục xạo khắp khu vườn rộng.

Bước lên sân gạch cao ở sau nhà, lòng bồi hồi nghe tiếng trẻ khóc hức hức sau những lùm cây. Ngước mắt nhìn ra xa, khu vườn này tiếp khu vườn kia, chạy dài tới biển. Mọi sự diễn ra đúng như tôi mong ước, ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Mơ tìm lại tự do...

Mơ ơi!


(Viết lại theo trí nhớ một bài cũ khoảng 40 năm về trước
ở Saint-Tropez, 19yy/mm/dd)















Wednesday 3 June 2020

chém tre đẵn gỗ trên ngàn


(2020/06/02, 00:30)

Bụi trúc này tôi đem từ Lugano (Thụy Sĩ), vườn nhà anh Thưởng, cách đây quãng 15 năm. Anh Thưởng là người trồng cây rất đẹp, nhất là về bonsaï, đặc biệt là các loại hoa lan. Lần thăm anh năm đó, còn được anh dẫn lên núi xem rừng hoa đỗ quyên. Ngắm hoa, nhìn xuống cảnh hồ thành phố, thấy đây là xứ thần tiên.

Hôm đem trúc Lugano về nhà, tôi nhớ chỉ có ba bốn cành tỉa ngắn, vì phải để trong xe mang về Pháp. Vậy mà chỉ hai ba năm sau, trong vườn đã mọc một bụi xanh um.

Mỗi năm, kể từ khoảng giữa mùa xuân, đọt măng lan đầy chung quanh bụi trúc. Cách đây hai năm, măng trúc còn tràn tới gốc bụi buis bên cạnh. Một khối cầu xanh mướt, đường kính lớn hơn 1 m, bỗng nhiên héo úa suýt chết.

Năm nay, suốt hạ tuần tháng Năm, ngày nào cũng nghe nhà tôi cằn nhằn, trồng bụi trúc ở chỗ này thiệt lầm rồi. Trong bụng tôi cho nhà tôi có lí. Nhưng nghĩ tới việc phải vác cuốc ra đào trúc, tôi ớn quá, cứ lần lữa qua ngày. 

Cách đây khoảng mười năm, tôi từng trải qua một cuộc "đào trúc trần ai". Số là dọc theo một bức tường chung với nhà hàng xóm phía đông, tôi đã trồng một hàng rào trúc dài hơn mười lăm thước. Năm đó, người hàng xóm than phiền, trúc vườn nhà tôi đã chui qua chân tường xi-măng, mọc đầy bên vườn họ. Tôi nhớ, lần đó đã hì hục ba ngày, mới dọn sạch đám rễ trúc rừng xâm chiếm đất người ta. 

Rút kinh nghiệm như thế, lần trồng trúc Lugano, tôi đã chọn chỗ đất ở giữa vườn, không sợ rầy rà hàng xóm. 

Nhưng rõ ràng năm nay, măng non lan mạnh chưa từng thấy. Không những nhú đầy trên sỏi trắng khu vườn kiểu Nhật ở phía sau, lại còn mọc tùm lum, chui từ dưới gạch lót vòng quanh hồ trồng sen, trồng súng... và nuôi cá làm cảnh nữa.

Sau cùng, từ ba hôm nay, tôi quyết định đem bụi trúc chuyển vô chậu.

Mỗi sáng, uống trà hoặc cà phê xong, tôi đội mũ, thay quần áo làm vườn, vác dụng cụ đủ loại ra đào trúc. Kinh nghiệm đầy mình, tôi chuẩn bị sẵn cuốc, xẻng, dao tỉa cành, cưa, đục, v.v.

Hỡi ơi, không thể nói là đào trúc, phải nói là chặt, là cưa, là đục, là chém!

Những cây trúc xanh um, thân bóng mượt như thế, nhưng đụng tới gốc của chúng, mới thấy đoạn trường.

Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai! (1)

Tôi cuốc toé lửa xuống gốc bụi trúc, không nhúc nhích gì cả. Vì đất thì khô và cứng. Khi cạy ra được một chút rễ, khô, chằng chịt với nhau, biến thành đá có thớ vàng.

Không được, không được. Phải có chiến lược mới xong.

Tôn Tử nói: Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. 

Sau khi phân tích tình hình, tôi biết sức mạnh của trúc ở cái mớ rễ kia đoàn kết chặt chẽ với nhau thôi. 

Trước hết, tôi tìm cách chia rẽ bụi trúc ra thành nhiều cụm nhỏ. Bắt đầu tiến công thẳng vào cả bụi, rất khó. Tôn Tử nói phải đánh vào chỗ trống, tức là chỗ quân địch không đề phòng. Trong trường hợp của bụi trúc này, "chỗ trống" chính là mấy kẽ nhỏ giữa các gốc cây. Dùng đục đóng vào nhưng kẽ đó, cào cạo từ từ đất bám, nạy ra từng đoạn ngắn rễ nổi trên mặt đất, cắt đứt, cưa đứt đất bám rễ, cho tới khi nào có đủ một cái rãnh đủ lọt mũi cuốc. Thường thường, phải cắt bỏ một hay nhiều thân cây để tạo chỗ trống. 

Nếu chưa được, phải kêu cứu tới ông Lão Đam: Nhu thắng cương, nhược thắng cường. Đem vòi nước rưới ướt đẫm mấy cái kẽ giữa những gốc cây và một cái rãnh vòng ngoài gốc bụi trúc. Đợi mấy giờ sau hoặc qua đêm, thì có thể bổ mũi cuốc vào khe trống, từ từ nạy ra và tách mấy gốc trúc vòng ngoài là dễ hơn cả. 

Archimède xưa có nói: Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể bẩy cả địa cầu. Nguyên tắc đòn bẩy áp dụng vào công việc nạy rễ trúc là đây. Cái khó, là tìm ra điểm tựa tốt nhất cho mỗi lần nạy bằng cái cuốc, dùng như một cái xà beng (tức là một loại đòn bẩy).

photo @dtk 2020
 











(2020/06/02, 14:50)

Vừa nuốt xong dĩa cơm cá saumon chiên. Từ sáng khoảng 9:30, đã mặc áo ra vườn chặt trúc, đến 13:00 vào nhà nghỉ. Lúc vào nhà, không muốn ăn gì cả, nốc lần thứ hai nửa lít nước chanh đường. Cám ơn bà xã chu đáo. Lên nằm nghỉ trưa hơn một tiếng đồng hồ, mới muốn ăn một chút để lấy lại sức, để lát nữa ra vườn tiếp tục "chiến đấu". 

Từ ba ngày rồi, mỗi ngày hai buổi ra vườn chặt trúc. Chiều hôm qua, theo phương lược đề ra, đã tách ra được bốn năm cụm trúc, mỗi cụm hai ba cây. Nhà tôi cũng phụ một tay, cắt ngắn thân cây còn chừng 1/2 bề cao cũ (bề cao bây giờ khoảng 2,5 m), tỉa bớt lá và trồng lại vào một chậu lớn.

Tôi để ý, làm việc cật lực như vậy, mà chỉ khát nước thôi. Trung bình hai buổi tôi uống ít nhất hai lít nước. Nước chanh đường và cả nước dừa đóng thành bịch. Nước dừa đóng vào bịch uống không ngon lắm. Vừa uống tôi vừa nhớ lại ngày xưa, được uống nước dừa tươi, cạnh Nhà thờ Ngã Sáu, trước cổng trường Chu Văn An. Mấy ông nhà quê, đẩy xe ba bánh, chất đầy những trái dừa xanh. Ai muốn uống, chỉ cần bỏ ra mấy đồng, ông ba gác lấy rựa chặt vỏ dừa tại chỗ, khoét một cái lỗ ở cuống, bỏ vào trong vài hạt muối. Khách hàng hút nước dừa, ngon mát thần tiên. Uống xong, còn lấy thìa nạo lớp cùi dừa non bên trong trái dừa, trắng nuốt, mát rượi cổ họng. Ôi, những ngày xưa thân ái...

Tôi vừa chặt rễ trúc, vừa suy nghĩ bâng quơ chuyện gà qua chuyện vịt. 

Lúc dao chạm phải một mớ rễ bám vào đất cứng như đá, tôi chợt buồn cười vì mấy chữ Việt "tóc rễ tre". Hì, hì, nói hơi quá, sao không nói "tóc bừa cào" luôn thể.

tranh Lương Khải 
(1140-1210)
Bỗng nhớ đến bức tranh của Lương Khải (2) diễn tả sự tích Lục tổ Huệ Năng chặt trúc ngộ đạo trong chớp mắt.

Muốn đục xuống đất tạo một kẽ trống, mới thấy thiếu cây búa tạ. Nhìn quanh quất chung quanh, may quá trong góc vườn Nhật bên cạnh, tìm được một cục đá to, chắc nịch, rất vừa tay. Đóng lên cây đục sắt một cái, đã quá. A ha, ta bỗng hóa thành người thượng cổ thời đại đồ đá (âge de pierre)! Câu thơ cũ của Tô Thùy Yên (3) lại vi vút trong đầu: "Ta hóa thân thành vượn cổ sơ."

Một lần, đào sâu xuống đất, từ đầu cuốc văng ra một con ốc sên. Mừng quá, vì nó chưa bị vỡ. Tôi lượm nó lên, bỏ ra xa, dưới gốc cây buis gần đó. Ngày xưa, Nhà Phật có ba tháng an cư kiết hạ, ở yên một chỗ để tránh giết hại côn trùng. 

Tôi bỗng nghĩ đến bà chủ vườn nhà. Hồi nhỏ, chưa đầy tám chín tuổi, nhà tôi do hoàn cảnh gia đình, phải sống với dì Năm. Thật vậy, bà má nhà tôi tái giá, lấy chồng xa, không tiện giữ con. Là (tạm gọi tên nhà tôi như thế) ở nhà dì Năm, ngoài một buổi đến trường, chỉ có bổn phận duy nhất: lo bồng bế mấy đứa em họ. Không biết vì lí do nào, Là từ nhỏ đã thích trồng cây. Đi đâu, thấy cây cỏ gì lạ, đều xin về trồng. Lần đó, Là xin được một gốc cây mít nhỏ thì phải, đem về nhà trồng trong một góc vườn. Ngồi mơ mộng trên võng đu em. Ờ, mai mốt lên được cây mít lớn, đem trái ra chợ bán, rồi mua con heo con nuôi cho lớn, đem ra chợ bán, mua được một con bò... Buổi chiều đi học về, chạy ra vườn xem, không thấy cây mít đâu nữa. Bà Ngoại nói: "Ôi thôi, tụi thằng Mãng lùa trâu chạy càn qua đó, đạp nát hết rồi!" Thằng Mãng là đứa em họ, tuổi xấp xỉ với Là, buổi tối hai đứa tranh nhau ngủ hai bên bà Ngoại... Sau này, hai vợ chồng tôi đi du lịch, ở bất kì thành phố nào trên thế giới, Là cũng đòi đi bằng được xem vườn bách thảo ở đó. Trên đường, thấy cây mình thích, nhiều khi lén bứt cành đem về nhà trồng. Một lần, thăm Trúc Lâm Thiền Viện ở Đà Lạt, Là trông thấy sau rào trong vườn nhà chùa một cành hoa gì thích lắm. Ngó tới ngó lui, chưa biết tính sao. May quá, có một ông sư đang đứng trong vườn, trông thấy, ngắt một nhánh hoa cho Là. Kể dài dòng như thế, để hiểu rằng Là mê cây cỏ chừng nào. Ấy thế mà, ở trong vườn nhà, mỗi mùa xuân, khi đem cây ra chăm sóc, tôi lại nghe tiếng Là kêu oai oái vì ốc sên hay limaces ăn hết những đọt cây non. Sau Là tìm được phương pháp trị ốc sên rất hiệu quả: đổ bia vào một cái đĩa khá sâu. Ốc sên, limaces ban đêm vô uống, chết trôi trong bia hàng đống...

Chiều hôm qua, kiểm điểm kết quả đạt được, nhà tôi góp ý: "Làm vậy bao giờ mới xong. Sao không nhổ từng cây một."

Lúc đó, tôi còn hơi lưỡng lự. Vì nhổ từng cây, nghĩa là đem vứt hết phần bụi trúc còn lại. Không khỏi đau lòng. 

Tôi lúc nào cũng thương trúc. Cuối vườn hướng Nam, tôi còn trồng một bụi trúc đen huyền, năm nào đem từ Saint-Tropez về không nhớ nữa. Bên góc đối diện, còn có mấy thân trúc vàng to bản. Đấy là chưa kể, trước đây có người còn cho một loài trúc thân vàng-xanh xen kẽ. Bụi trúc sọc vàng-xanh xen kẽ bị chết mất rồi.

Sáng nay ra chỗ bụi trúc, xăm soi một hồi. Mặt trời hôm nay có vẻ gay gắt và tôi cũng đuối sức rồi. Ok, thay đổi chiến thuật. Bây giờ dùng phương pháp "bắn sẻ" từng cây một. 

Tới trưa, tôi cắt sạch 50-60 cây trúc còn lại, chỉ chừa lại hai cây, chụp một tấm hình để ghi nhớ.

photo @dtk 2020


Ngày mai, tôi sẽ đốn chúng xuống, gom lại cùng hơn trăm thân trúc đã tỉa, dự trữ dùng làm cột đỡ (tuteurs), giàn, rào hoặc nhiều thứ hữu dụng khác trong vườn. Tôi sẽ san bằng mặt đất, đem chậu bụi trúc mới đặt chỗ này. 

Tôi tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa, bụi trúc sẽ vươn lên, cao vút trời xanh.


***


Chú thích

(1) Ca dao Việt Nam.
(2) Lương Khải 梁楷 (1140-1210), họa sĩ đời Tống (960-1279)
http://www.chinaonlinemuseum.com/painting-liang-kai-sixth-patriarch.php
(3) Tô Thùy Yên (1938-2019): 
Mười năm mặt xạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ


Tán thán

Thế là Kiệt đã thực tập 3 ngày theo chủ trương Thiền Bách Trượng 百丈 "Bất tác bất thực" (nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực 一日不作一日不食). Tuy chưa Đả thất, còn gọi là Nhiếp tâm. Nhưng do không ăn nên Văn ra. Tốt. Nếu tôi nhớ không lầm thì câu "Kích trúc vong sở tri 擊竹忘所知" là do sự tích về Thiền sư Hương Nghiêm 香嚴, đệ tử Tổ Bách Trượng, trong khi chặt cây quét lá, một viên sỏi va khóm trúc phát ra tiếng, đập vào trí ông. Ông liền ngộ ngay lúc ấy. Sở tri là kiến thức mà Phật giáo cho là trở ngại cho chân lý xuất hiện (cf. Phật Quang Đại Từ Điển, Hương Nghiêm kích trúc 香嚴擊竹). Những năm tháng Huệ Năng 慧能 còn ở Lĩnh Nam bán củi nuôi mẹ. Nhân gánh củi đến tiệm bán nghe tiếng người tụng kinh đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm 應無所住而生其心" thì hoát ngộ. Hỏi khách tụng kinh gì, thỉnh ở đâu. Khách đáp Kinh Kim Cương 金剛, ở nơi tổ Hoằng Nhẫn 弘忍. Huệ Năng về lo liệu chuyện mẹ già rồi lên núi Hoàng Mai cầu pháp với Ngũ tổ Hoằng Nhẫn.

Cư sĩ Võ Văn Ái 
2020/06/05














Sunday 31 May 2020

trí khôn nhân tạo



Hôm nọ, viết trang blog về big data, tôi đã tò mò tìm xem "artificial intelligence", trong tiếng Việt bây giờ gọi làm sao. 

Anh bạn HA@huediepchi.com mới nhắc là "trí tuệ nhân tạo" (1). 
Người Tàu dịch là: "nhân công trí năng 人工智能" (2).

Ờ, ờ... đứng riêng về mặt ngôn ngữ, dịch "intelligence" thành "trí tuệ", "trí năng", ..., thì cũng chẳng có gì phải nói.

Tuy nhiên, cứ nhớ tới những câu "đao to búa lớn" nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa nhai nhải từ mấy chục năm nay, theo kiểu "đỉnh cao trí tuệ" chẳng hạn, lại chỉ muốn văng tục!


Cách đây ba chục năm, kĩ thuật "artificial intelligence" còn ở thời kì phôi thai, nhân đang tập viết lí trình (software, logiciel) bằng ngôn ngữ điện toán mới ra đời lúc đó, chuyên về "artificial intelligence" (ngôn ngữ Prolog của trường Đại Học Edinburgh) và đúng khi vừa đọc qua một truyện cổ tích Việt Nam (trong bộ "Raconte-moi des histoires" dành cho học sinh tiểu học) (4) (5), tôi mới nảy ra ý đề nghị dịch "artificial intelligence" là "túi khôn nhân tạo".

Truyện kể đại khái về nguồn gốc tại sao con cọp lại có vằn đen trên lưng vàng. Xin tóm lược như sau:

Một hôm, ngài chúa sơn lâm, đi ra ngoài rừng, mon men đến một bờ ruộng. Cọp lại gần một con trâu đang nằm nghỉ trưa, miệng ngẫm nghĩ nhai lại bữa ăn chưa tiêu hóa xong:
— Này bác trâu, trông bác to lớn bệ vệ thế, mà sao lại chịu cho cái thằng người nhà quê bé choắt sai bảo làm lụng cực nhọc như vậy?
Con trâu nuốt vô bụng mớ cỏ đã nhuyễn, vừa cười vừa chậm rãi trả lời cọp:
— Hì hì, vâng, bác nói phải lắm. Có điều thằng người bé con như thế, nhưng nó có cái Khôn, bác ạ!
— Cái khôn gì, khôn liềng vậy hả?
— Vâng, cái Khôn của hắn lợi hại lắm. Chẳng riêng gì tôi, mà các loài vật khác, đều chịu lép một bề cả.
Cọp ta lấy làm lạ, bèn bảo trâu về xin với chủ nó cho gặp mặt cọp hôm sau. Cọp thầm nghĩ rằng sẽ tìm cách lấy cho bằng được cái Khôn gì đó của người nhà quê.
Hôm sau, cọp đợi sẵn bác nông phu bên bờ ruộng. Lúc người nhà quê vừa bước tới, cọp đã vội vàng lên tiếng:
— Này ông làm ruộng, ông có thể cho tôi xin một chút "cái khôn gì đó" hay không?
Người nhà quê trả lời:
— Ồ, có gì đâu. Chỉ là tôi không có sẵn đây, chứ nào tôi có tiếc gì với bác Hổ.
— Làm sao bây giờ?
Người nông phu mới nói:
— Vâng, tôi sẵn sàng về nhà lấy túi Khôn chia lại cho bác. Nhưng chỉ e bác ở đây ăn thịt con trâu của tôi, thì tôi còn gì làm ăn sinh sống nữa?
Con cọp mừng quá, nói:
— Ồ, không sao đâu. Bác cứ buộc tôi vào gốc cây kia. Tôi đợi ở đấy, không thèm ăn thịt con trâu của bác đâu mà sợ.
Người nhà quê liền mở ra một cuộn dây thừng, trói chặt con hổ vào gốc cây, xong xuôi mới nói:
— Hà hà. Cái túi khôn của tôi đây.
Bác nông phu nắm một bó rơm, dí vào mình cọp châm lửa đốt cháy từ đầu tới đuôi.
Thương thay, con cọp bị nóng bỏng, gầm thét vang dội cả khu rừng. Sau cùng, nó vùng lên, bứt đứt hết cả cuộn thừng còn cháy dở, chạy một mạch vô rừng thẳm.
Con trâu xem cảnh tượng hổ ta khốn khổ như vậy, bò lăn ra đất mà cười, đến nỗi đập mũi vào một khối đá lớn, bẹp dí cái mũi, như người ta còn thấy dấu vết cho tới ngày nay.
https://chantecler18.wordpress.com/2013/05/29/le-buffle-le-tigre-et-lintelligence/
Riêng cọp ta, bị một trận kinh hồn lạc phách, toàn thân cháy xém. Đấy là nguyên do tại sao ngày nay, con hổ vẫn còn mang vằn đen trên mình vàng. Vằn đen là vết tích của cuộn thừng cháy dở đấy các bạn ạ.

Nhân đọc truyện cổ tích này, tôi thấy hai chữ "túi khôn" rất hợp với ý "artificial intelligence" ngày nay. Tục ngữ Việt Nam còn có câu "đi một ngày đàng học một sàng khôn". "Túi khôn" và "sàng khôn", ý nghĩa tương đương. Tuy nhiên, hôm nay nghĩ lại, thấy cái "túi" có vẻ mộc mạc vật chất quá, đổi là "trí khôn nhân tạo" có lẽ hay hơn.

Trong cuốn sách "21 bài học cho thế kỉ XXI" (6), nhà tư tưởng Yuval Noah Harari cho rằng tương lai loài người trong vũ trụ ngày càng chịu sự khống chế hoàn toàn của kĩ thuật sinh học và kĩ thuật tin học (tiếng Pháp: biotech, infotech).

Mà "artificial intelligence" là gì, nếu không phải là sự ứng dụng kĩ thuật điện toán viết quy tính (tiếng Pháp: algorithme)  kết hợp với khả năng tích trữ các dữ kiện khổng lồ (big data), càng ngày càng hiệu quả.

Trong khi đó, "đỉnh cao trí tuệ" là cái củ chi, mà nhân dân vẫn mãi sống trong vòng ngu tối, mất hết tự do, chẳng biết gì tới dân chủ, kinh tế thụt lùi, giáo dục đổ vỡ tan hoang?




Chú thích
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trí_tuệ_nhân_tạo
(2) https://zh.wikipedia.org/wiki/人工智能
(3) https://ja.wikipedia.org/wiki/人工知能
(4) https://chantecler18.wordpress.com/2013/05/29/le-buffle-le-tigre-et-lintelligence/
(5) https://m.youtube.com/watch?v=IKppEEXIo4M
(6) 21 Lessons for the 21st Century, Yuval Noah Harari.



đàn bướm tung bay




Mẹ tôi buôn thúng bán bưng ít khi có dịp mặc áo dài. Một lần mẹ mặc chiếc áo dài cố hữu màu cánh gián may bằng lụa nội hóa dẫn tôi đi đến nhà một ông quen lớn để chạy chọt cho anh tôi đang ở quân trường khỏi bị đưa ra tiền tuyến. Mẹ con mỗi người ôm khư khư một gói trái cây quý nhập cảng từ bên Pháp. Dưới khí hậu nhiệt đới, những quả táo, quả nho tỏa hương thơm phức. Tôi bốc dòng máu nóng thiếu niên bồng bột nói với mẹ: "Có sức chơi sức chịu. Đi lính thì ra chiến trường. Tại sao phải cầu cạnh?!" Mẹ tôi không trả lời. Dưới ánh đèn tranh tối tranh sáng, bên chiếc bàn làm việc, vị giáo sư trẻ tuổi cười cười từ chối lấy lệ món quà. Ít tháng sau, mẹ tôi lại mặc chiếc áo dài cũ đó đưa tôi đi đón xe đò Saigon-Bình Dương. Chiếc xe cũ kĩ, chật ních, còn dư một chỗ ngồi cho mẹ, còn tôi nửa đứng nửa ngồi. Đó là một ngày đầu năm âm lịch, mẹ con đưa nhau đi thăm anh tôi thuộc Sư đoàn 5 bộ binh Vùng 3 chiến thuật. Quốc lộ 13 nắng rát, ngoằn ngoèo như thân rắn. Ruộng đồng hai bên khô cằn, nứt nẻ, trơ gốc rạ. Dấu vết làng mạc là nhưng túp lều tranh ở cuối xa xa. Màu vàng ruộng đồng bây giờ là màu lửa cháy xém chứ không phải là màu lúa chín mênh mông. Và những ngôi làng thiếu những bụi tre um tùm bao bọc. Dọc đường thỉnh thoảng gặp những căn nhà nửa tỉnh nửa quê chổng chơ chợ chiều. Lác đác tiếng nổ lẹt đẹt do những người lính Dân-vệ áo đen chĩa súng lên trời bắn pháo mừng xuân. Tấm lòng niên thiếu giữa thời chiến loạn bỗng nhiên hoang vắng lạ thường. Một lần thấy mẹ vui với chiếc áo dài Việt Nam, đó là lần đi lễ Nguyên Đán xin xâm ở Lăng Ông Gia Định. Không khí tràn ngập khói hương. Những tà áo màu ẩn hiện đâu đây. Không biết hôm đó bói được quẻ gì, mẹ tôi hân hoan ra về, tay cầm lộc mới. Sau này sang Pháp, ở một tỉnh nhỏ. Đại học quốc tế mời sinh viên Việt Nam tham dự dạ hội mừng xuân. Đa số các sinh viên người mình không có tài văn nghệ. Nhiều người đề nghị cho các cô các cậu mặc áo bà ba đen hát hò dô ta. "Như kiểu Mặt Trận Giải Phóng Min Nam ấy à?!", tôi nghĩ. Yếu thế vì không biết đàn hát là gì, tôi vẫn lớn tiếng chống đối: "Mấy người múa hát lè phè. Thế giới kinh tởm chiến tranh rồi. Đem màu đen chết chóc ra trình diễn chỉ tổ cho người ta chán ngấy. Hãy cho các cô mặc áo dài. Múa có dở nhưng thấy áo dài đẹp, quốc tế họ cũng thích rồi!" Đêm trình diễn, các sinh viên da đen làm lễ tế thần, tiếng trống bập bùng như tiếng gọi của Phi Châu nguyên thủy. Các sinh viên Cam-Bốt mời được đoàn vũ công chuyên nghiệp từ Paris xuống biểu diễn màn múa dừa khô vô cùng ngoạn mục. Đến lượt các cô Việt Nam, chưa ai từng biết múa, vừa tập dượt vội vã được mấy ngày, từ trong hậu trường sân khấu nhịp nhàng bước ra. Hai cậu sinh viên từ hai bên hông khán giả bắt đầu quay ống đèn màu. Tiếng hát hòa mình với điệu múa nón bài thơ. Những bước chân còn vụng dại, nhưng không ai để ý, vì những chiếc áo dài thướt tha uyển chuyển như một đàn bướm tung bay... 
image Internet
"Trời Xuân em che nón lá, nắng hanh lên hồng đôi má..." Các cô vừa lui bước trước khi màn hạ, những tràng pháo tay đã nổ ra ròn rã. Má cô nào cũng đỏ hây hây. Vì mệt hay vì sung sướng?



Belfort-Paris, 28.02.1985















người hẹn cùng ta




Mấy hôm nay, trên diễn đàn @huediepchi, các bạn bàn nhiều về Đà Lạt, lại biết  tin chị md@hdc bệnh (do ô nhiễm ở Saigon thì phải), rồi nghe chị kể chuyện âm binh, làm tôi nhớ lại nhiều kỉ niệm xưa, đến nỗi đêm qua nằm mơ, một cơn ác mộng, giật mình thức giấc, lúc ba giờ sáng, trống ngực còn đập thình thình.

Tôi thấy tôi đang ở Đà Lạt, bị công an tịch thu hộ chiếu, dẫn đi trong mấy hành lang âm u như địa ngục. Chợt một lúc gặp đúng cậu Nghị (em trai mẹ tôi) đi ngang qua đó. Cậu hình như là một sĩ quan cao cấp, dõng dạc ra lệnh cho thả tôi ra lập tức, cùng một người khác bị bắt như tôi. Tôi nghe hô rất rõ tên người ấy, nhưng bây giờ quên mất rồi. Lúc hai người đứng đợi thủ tục giấy tờ, thì tôi giật mình thức giấc, trống ngực còn đập thình thình.

Cậu Nghị tôi đến ở trọ nhà bố mẹ tôi ở Đà Lạt ngay sau ít ngày gia đình tôi rời Hà Nội vào Nam (1954). Cậu tôi hồi đó là lính trong Ngự Lâm Quân của cựu hoàng Bảo Đại, đóng trại ở gần dinh vua, nếu tôi nhớ không lầm. Mỗi đêm, tôi thường nghe cậu hút thuốc lá trong phòng, thở ra những vòng khói xanh huyền ảo, cùng với người bạn lính, hay hát "Hà Nội ơi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi...", hoặc bài Trăng mờ bên suối của Lê Mộng Nguyên. Tôi cũng chứng kiến ngày cậu quyết định lấy chuyến tàu cuối cùng trở về Hà Nội, tìm lại người vợ của mình.

Thời gian ngắn cùng ở với cậu Nghị ở Đà Lạt, anh tôi và tôi thường được dẫn đi xem ciné, ra tiệm ăn chè sen, hoặc đi về nhà theo những con đường dốc, dưới ánh trăng mờ. Thỉnh thoảng, cậu ấy hỏi vọng lại về phía sau: "Hết chưa?" Thế là tôi lại được phát cho một thỏi chocolat thơm phức.

Hôm đó, mẹ tôi chuẩn bị ballot cho cậu đi lấy chuyến tàu cuối cùng về Bắc. Tôi còn nhớ rõ khúc bánh mì dài nhét đầy lạp xưởng mà mẹ tôi xếp vào trong nải.

Sau đó ít lâu, gia đình tôi bỏ Đà Lạt xuống Saigon. Hồi đó, tôi đang say mê sưu tầm tem quý, tìm thấy trong tủ giấy tờ của mẹ một hộp những lá thư màu xanh, dán đầy những con tem rất hiếm: Hồ Hoàn Kiếm, lăng tẩm Huế, Bảo Đại, Bảo Long, Nam Phương hoàng hậu... Dĩ nhiên là tôi đem bóc sạch những con tem đó, nhân tiện ngồi nhẩn nha đọc những bức thư mà tôi thấy nhạt như nước ốc, toàn những câu như là: Anh ơi, chúng mình không được gần nhau....

Cho đến ngày tôi sang Pháp và mãi tới sau 1975, tôi không có tin tức gì về người cậu. Rồi sau này, vào khoảng 1985, gặp lại người em vượt biển sang Mỹ, đến thăm tôi. Em cho biết, vài năm sau biến cố tháng Tư, cậu Nghị có vào Saigon, đem theo một túi gạo chừng 3 kí-lô biếu gia đình chị. Mẹ tôi nhận món quà của cậu và nói riêng với em tôi: "Hóa ra dân miền Bắc còn đói khổ hơn miền Nam từ bao năm rồi!". Vài năm sau đó, em tôi đi Hà Nội theo lời yêu cầu của mẹ, đến phố Tràng Thi — nơi có căn nhà của ông ngoại (làm nhà nhiếp ảnh ngày xưa) để lại, để tìm cậu Nghị. Khi em vào đến căn nhà, lúc đó đã bị chia năm xẻ bảy cho nhiều gia đình, bước lên thang lầu ọp ẹp, thấy ngay một cặp cụ già tóc bạc phơ, giương mắt nhìn em trừng trừng một lúc, rồi bật khóc oà. Ấy là vợ chồng cậu Nghị em tôi gặp lại ở Hà Nội vào khoảng 1975-1980. Hai người đã mất vào khoảng năm 2000.

Không biết có phải mấy câu viết trong mail (Thu, Feb 9, 2017 at 6:49 AM) của chị md@hdc kể mà tôi xúc động nhớ kỉ niệm xưa: "Bạn md@hdc tu trên núi, vẫn phải nộp quà cáp cho âm binh. Sáng này md@hdc ra chợ mua thực phẩm thấy mấy cái xe ra dẹp đường. Thấy họ hốt được một cái xe bán hàng rong, một cái ghế dài, một mớ rau cải, vài thanh tre. Cả một tiểu đội người đi dẹp chợ. Thấy thương cho gia đình người bán hàng rong mất đi phương tiện kinh doanh."


Phụ lục



Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi áo màu tung gió chơi vơi
Hà Nội ơi, phố phường dài ánh trăng mơ
Liễu mềm nhủ gió ngây thơ thấu chăng lòng khách bơ vơ

Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi,
Biết người có nhớ nhung chi,
Hết rồi giây phút phân ly
Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê,
Tóc thề thả gió lê thê
Biết đâu ngày ấy anh về

Một ngày mùa chinh chiến ấy,
Chim đã xa bầy mịt mờ bên trời bay
Một ngày tả tơi hoa lá,
ngóng trông về xa ... luyến thương hình bóng qua.

Hà Nội ơi, nước hồ là ánh gương soi,
Nắng hè tô thắm lên môi, thanh bình tiếng guốc reo vui
Hà Nội ơi, kiếp người muôn hướng buông trôi
Nhớ về người những đêm rơi
Nhắn theo ngàn cánh chim trời.

Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xưa,
Mắt buồn dâng những đêm mưa,
Não nùng mây gió đong đưa

Hà Nội ơi, nỗi lòng gởi gấm cho nhau,
nhớ hoài chỉ biết thương đau,
đắm say chờ những kiếp sau.

Hà Nội ơi, những ngày thơ ấu trôi qua,
mái trường phượng vĩ dâng hoa
nắng chiều ủ bóng tiên nga.

Hà Nội ơi, mắt huyền ngây ngất đê mê,
tóc thề thả gió lê thê, hãy tin ngày ấy anh về.

Một ngày tàn hương chinh chiến,
lửa khói lắng chìm, tìm về nơi bờ bến
Một ngày hồng tươi hoa lá
Hát câu tình ca nói lên lời thiết tha

Hà Nội ơi, biết người còn có trông mong,
Hướng về ai lỡ hay không những ngày xa vắng bên sông.

Hà Nội ơi, những chiều sương gió dâng khơi
Có người lặng ngắm mây trôi,
Biết bao là nhớ tơi bời ... 




phố Tràng Thi 
photo https://36hn.wordpress.com/2016/05/17/pho-trang-thi-xua/












con ngỗng




Con ngỗng ấy, hai đứa con anh chị Thông đặt tên là Tokata. Cái tên Tokata hình như là tên một con ngỗng nổi tiếng trong bộ phim hoạt họa dành cho trẻ em trên đài truyền hình lúc bấy giờ.

Hôm ấy, anh chị Thông bàn với vợ chồng tôi, phải lấy quyết định về việc con ngỗng này. Ai cũng thương nó lắm, nhất là đám trẻ con bốn đứa của hai gia đình. Nhưng con ngỗng đã lớn quá rồi, biết đem đi đâu, đành phải làm thịt chứ sao bây giờ.

Anh Thông chủ nhà, lại có phần dạn tay, lãnh nhiệm vụ cắt tiết, còn tôi phụ giữ cánh ngỗng.  Thế là hai người lặng lẽ ra vườn bắt con ngỗng đem vô nhà để xe, nhân lúc mấy đứa trẻ con đang chơi đùa chỗ khác.

tranh: nguồn Internet

Vụt hai kỉ niệm thời thơ ấu bay về trong trí nhớ. Một lần cha tôi sửa soạn làm tiết canh vịt. Ngâm con vịt vô thau nước nóng (cho dễ lột lông), lúc cha tôi vừa cứa cổ nó, thì vuột tay, nó vùng lên chạy vụt ra đường, kêu oác oác inh ỏi cả xóm. Mấy người phải đuổi theo, rất khó khăn mới chụp được bắt nó về nhà. Một lần khác, anh tôi được giao cho phận sự cắt cổ một con vịt khác. Tôi bị chỉ định cầm cánh vịt. Anh tôi còn hơi vụng về, cứa tới cứa lui. Còn tôi hai tay ghì chặt hai cánh con vịt. Một hồi lâu, lúc buông tay ra, thì cổ vịt chưa đứt, nhưng nó nằm đơ ra — vì ngạt thở.


Anh Thông và tôi hì hục một lúc, rồi cũng xong. Tôi nhớ tối hôm đó, được ăn một bữa cháo ngỗng thiệt là ngon. Sau đó nhiều tuần, anh Thông còn kể họ đem thịt ngỗng làm dồi, làm chả... ăn mấy bữa chưa hết.

Tại sao hôm nay tôi lại nhớ lại chuyện giết vịt và ngỗng này?

Số là từ tối hôm qua, tôi duyệt đọc Phật Quang Đại Từ Điển, tới mục từ "nga châu" (con ngỗng nuốt hạt châu), rồi cả đêm suy nghĩ miên man cho đến sáng, vừa mới kiểm lại xong hai cột văn Hán Việt đối chiếu, từng chữ một. Từ hơn một năm nay, chăm chỉ dò lại từng trang bộ từ điển, mỗi lần vẫn cứ ngạc nhiên về công phu dịch thuật của Hòa thượng Thích Quảng Độ. Nhưng hôm nay, là chuyện khác.

Trích lại dưới đây nguyên bản dịch mục từ nga châu [鵝珠]  (con ngỗng nuốt hạt châu):

    Cứ theo Đại Trang Nghiêm Kinh Luận quyển 11, xưa kia, có một vị tỉ khưu khất thực đến trước nhà người thợ xâu ngọc, lúc đó người thợ đang xâu ngọc ma-ni cho nhà vua, thấy vị tỉ khưu đến, người thợ liền để viên ngọc xuống và vào nhà lấy thức ăn cúng dường. Khi ấy, có một con ngỗng đến nuốt mất viên ngọc, lúc người thợ trở ra không thấy viên ngọc liền ngờ và tra hỏi vị tỉ khưu; vị tỉ khưu tự nghĩ: “Nếu mình nói thật thì con ngỗng sẽ bị giết, như vậy mình đã phạm giới sát sinh, còn nếu nói không đúng thì phạm giới vọng ngữ, thôi, im lặng là hơn.” Thấy vị tỉ khưu không nói người thợ càng thêm nghi ngờ, liền trói vị tỉ khưu lại và dùng gậy đánh đập đến nỗi tai, mắt, miệng, mũi đều ra máu. Con ngỗng lúc nãy thấy máu liền đến ăn, bị người thợ ngọc tức giận đánh chết. Vị tỉ khưu trông thấy thương xót buồn rầu và nói kệ rằng:
    “Xưa có vị Bồ tát
    Bỏ mình cứu bồ câu
    Nay tôi cũng làm theo
    Xả thân để cứu ngỗng
    Vì có lòng thương xót
    Muốn bảo toàn mệnh ngỗng
    Giờ ông đã giết ngỗng
    Tâm nguyện tôi chẳng thành.”
    (Đại 4, 320 hạ).
    Bấy giờ, người thợ ngọc mổ bụng ngỗng, thấy viên ngọc trong đó, liền òa lên khóc và nói:“Ngài muốn cứu mệnh sống của ngỗng mà không tiếc thân mình, khiến tôi làm việc bất nhân này!”
    [X. Kinh Luật Dị Tướng Q.14].


Ồ, thế là truyền thống nhà sư khất thực hẳn đã lâu đời. Xã hội Ấn Độ thời đó có vẻ còn thô sơ lắm. Một người thợ ngọc xâu ngọc cho nhà vua, mà có cả con ngỗng vào tới cửa tiệm, không khỏi buồn cười.  Nhà sư nọ có vẻ rất từ bi và can đảm.  Biết noi gương người trước thí mạng mình để mong cứu sống một con ngỗng. Mà sao thời đó, một anh thợ ngọc, cũng là một Phật tử, lại cả gan đánh hộc máu mồm một tỉ khưu!

May mà anh ta còn biết hối cải, khóc lóc, nhận lỗi minh đã làm việc bất nhân.














những con vịt ở Sapa




Hôm qua loay hoay xem lại cái PC Windows cũ, tình cờ gặp một tấm hình, chụp ở Sapa, chín năm về trước (2010).

Chỉ là mấy con vịt, nằm hoặc đứng, ngổn ngang bên cạnh một vũng nước đất đỏ.

Vậy mà trong lòng bỗng nhói lên một niềm áo não lạ thường.


photo @dtk 2010














Y hệt như nỗi lòng ngày hôm đó, lúc đi ngang qua vũng nước, chụp tấm hình này.

Hôm đó, vừa bước xuống xe car, đoàn du khách đến thăm một ngôi làng thuộc vùng núi Sapa (Bắc Việt), đã bị gần hai chục người Yao bao vây tức khắc. Toàn là phụ nữ, phần lớn tuổi không quá 30 — đầu chít khăn, thân mặc áo đen, thêu chỉ màu sặc sỡ.

Riêng nhà tôi đã có hai ba người Yao theo bén gót, suốt mấy giờ đi bộ thăm làng. Ai bảo người Yao chậm tiến? Trên tay mỗi người đều có một máy điện thoại di động. Họ vừa đi vừa nói chuyện huyên thiên. Đại khái cứ nài nỉ không ngừng, xin nhà tôi nhận lời mua mấy món hàng "lưu niệm" địa phương: túi thêu, khăn choàng... Mấy món hàng này, thực ra ở đâu cũng thấy. Và chắc chắn sản xuất từ một xưởng máy nào đó bên Trung Quốc mà thôi.

Lối vào làng là một con đường đất đỏ, rộng chừng mười thước, dài khoảng gần cây số, dốc thoai thoải, vài khúc quanh không gắt lắm. Đoạn đầu, ven đường là những cánh đồng, mái tranh thưa thớt, sợi khói nhạt nhòa, xa xa chỉ thấy một trẻ mục đồng dẫn trâu chậm rãi.

Vào đến trong làng, rải rác vài cửa tiệm mái tôn, bày bán dăm thứ rau cỏ, kẹo bánh..., và hai ba người ngồi ngáp. Hình như tiệm chỉ rộn ràng lên khi có khách du lịch vào thăm. Không biết ai bảo, nhà tôi cũng bắt chước mua bánh kẹo, phân phát cho mấy đứa trẻ con, tranh nhau ồn ào mười phút.

Dọc đường làng, đây đó một mái tranh hoặc lợp tôn đen đủi, trước cửa, một đứa bé, cầm túi nylon, nhìn ngơ ngác. Chúng tôi ghé thăm một căn nhà, mà người hướng dẫn bảo là truyền thống ở đây. Trong nhà tối om, nhìn kĩ phòng bếp, lổng chổng vài cái bếp đất, mấy cái nồi ngổn ngang, trên tường lủng lẳng mấy cột giấy đề chữ Hán. Ra vườn sau, có một giàn bầu, lá vàng. 


Trên đường, trước sân một căn nhà, có hàng dây thép phơi một dải khăn dài, màu xanh thẫm nước biển. Có lẽ ở đây, người ta dệt vải nhuộm chàm chăng?

Đi một quãng nữa, chợt thấy một vũng nước và mấy con vịt đã chụp trong hình ở trên. Đất đỏ quánh, không cỏ xanh, bên cạnh là một tấm bạt nhựa xanh. 

Không hiểu sao, chụp tấm hình xong, tôi bỗng nhiên buồn bã muốn nẫu cả người.

Chợt liên tưởng tới tấm bảng sắt rỉ sét cắm bên vệ đường lúc vào làng. Khẩu hiệu: "Xóa đói, giảm nghèo". Trông cái vẻ rỉ sét, mặt sắt lồi lõm, sơn tróc màu quá nửa, thì cái bảng này đã có mặt ít nhất từ 30 năm trước.


photo @dtk 2010

Hôm nay, nhìn kĩ lại tấm hình mấy con vịt: những con mắt hạt dưa, đen xạm, không động đậy.

Trông con vịt nào cũng buồn như nhau!














Mưa trên phố Huế

  Chị TH, Ở Âu châu đã gần sang mùa đông, nhưng hoa cúc vàng còn đang nở rộ...  photo dtk 20xy Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu, Sắc mạnh huy ...