Sunday, 31 May 2020

đàn bướm tung bay




Mẹ tôi buôn thúng bán bưng ít khi có dịp mặc áo dài. Một lần mẹ mặc chiếc áo dài cố hữu màu cánh gián may bằng lụa nội hóa dẫn tôi đi đến nhà một ông quen lớn để chạy chọt cho anh tôi đang ở quân trường khỏi bị đưa ra tiền tuyến. Mẹ con mỗi người ôm khư khư một gói trái cây quý nhập cảng từ bên Pháp. Dưới khí hậu nhiệt đới, những quả táo, quả nho tỏa hương thơm phức. Tôi bốc dòng máu nóng thiếu niên bồng bột nói với mẹ: "Có sức chơi sức chịu. Đi lính thì ra chiến trường. Tại sao phải cầu cạnh?!" Mẹ tôi không trả lời. Dưới ánh đèn tranh tối tranh sáng, bên chiếc bàn làm việc, vị giáo sư trẻ tuổi cười cười từ chối lấy lệ món quà. Ít tháng sau, mẹ tôi lại mặc chiếc áo dài cũ đó đưa tôi đi đón xe đò Saigon-Bình Dương. Chiếc xe cũ kĩ, chật ních, còn dư một chỗ ngồi cho mẹ, còn tôi nửa đứng nửa ngồi. Đó là một ngày đầu năm âm lịch, mẹ con đưa nhau đi thăm anh tôi thuộc Sư đoàn 5 bộ binh Vùng 3 chiến thuật. Quốc lộ 13 nắng rát, ngoằn ngoèo như thân rắn. Ruộng đồng hai bên khô cằn, nứt nẻ, trơ gốc rạ. Dấu vết làng mạc là nhưng túp lều tranh ở cuối xa xa. Màu vàng ruộng đồng bây giờ là màu lửa cháy xém chứ không phải là màu lúa chín mênh mông. Và những ngôi làng thiếu những bụi tre um tùm bao bọc. Dọc đường thỉnh thoảng gặp những căn nhà nửa tỉnh nửa quê chổng chơ chợ chiều. Lác đác tiếng nổ lẹt đẹt do những người lính Dân-vệ áo đen chĩa súng lên trời bắn pháo mừng xuân. Tấm lòng niên thiếu giữa thời chiến loạn bỗng nhiên hoang vắng lạ thường. Một lần thấy mẹ vui với chiếc áo dài Việt Nam, đó là lần đi lễ Nguyên Đán xin xâm ở Lăng Ông Gia Định. Không khí tràn ngập khói hương. Những tà áo màu ẩn hiện đâu đây. Không biết hôm đó bói được quẻ gì, mẹ tôi hân hoan ra về, tay cầm lộc mới. Sau này sang Pháp, ở một tỉnh nhỏ. Đại học quốc tế mời sinh viên Việt Nam tham dự dạ hội mừng xuân. Đa số các sinh viên người mình không có tài văn nghệ. Nhiều người đề nghị cho các cô các cậu mặc áo bà ba đen hát hò dô ta. "Như kiểu Mặt Trận Giải Phóng Min Nam ấy à?!", tôi nghĩ. Yếu thế vì không biết đàn hát là gì, tôi vẫn lớn tiếng chống đối: "Mấy người múa hát lè phè. Thế giới kinh tởm chiến tranh rồi. Đem màu đen chết chóc ra trình diễn chỉ tổ cho người ta chán ngấy. Hãy cho các cô mặc áo dài. Múa có dở nhưng thấy áo dài đẹp, quốc tế họ cũng thích rồi!" Đêm trình diễn, các sinh viên da đen làm lễ tế thần, tiếng trống bập bùng như tiếng gọi của Phi Châu nguyên thủy. Các sinh viên Cam-Bốt mời được đoàn vũ công chuyên nghiệp từ Paris xuống biểu diễn màn múa dừa khô vô cùng ngoạn mục. Đến lượt các cô Việt Nam, chưa ai từng biết múa, vừa tập dượt vội vã được mấy ngày, từ trong hậu trường sân khấu nhịp nhàng bước ra. Hai cậu sinh viên từ hai bên hông khán giả bắt đầu quay ống đèn màu. Tiếng hát hòa mình với điệu múa nón bài thơ. Những bước chân còn vụng dại, nhưng không ai để ý, vì những chiếc áo dài thướt tha uyển chuyển như một đàn bướm tung bay... 
image Internet
"Trời Xuân em che nón lá, nắng hanh lên hồng đôi má..." Các cô vừa lui bước trước khi màn hạ, những tràng pháo tay đã nổ ra ròn rã. Má cô nào cũng đỏ hây hây. Vì mệt hay vì sung sướng?



Belfort-Paris, 28.02.1985















No comments:

Post a Comment

Mưa trên phố Huế

  Chị TH, Ở Âu châu đã gần sang mùa đông, nhưng hoa cúc vàng còn đang nở rộ...  photo dtk 20xy Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu, Sắc mạnh huy ...